Thứ 4, 27/11/2024, 11:42[GMT+7]

Sáp nhập trường học từ chủ trương đến hành động (Kỳ II)

Thứ 2, 22/07/2019 | 08:40:01
1,643 lượt xem
Có thể thấy, sau một năm học thực hiện sáp nhập trường học, bước đầu đã có những chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các địa phương, đơn vị cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập về công tác quản lý, việc tổ chức các hoạt động dạy học, cũng như các chế độ, chính sách đòi hỏi cần phải có những giải pháp để từng bước khắc phục.

Buổi học an toàn giao thông của các cháu Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Thái Bình).

Kỳ II: Vẫn còn những vướng mắc

Công tác sáp nhập ở những trường có đông học sinh, địa bàn rộng, bố trí cán bộ quản lý ra sao để phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính là bài toán không dễ. Không chỉ liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên hành chính, học sinh mà việc làm này cần tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm sau sáp nhập chất lượng giáo dục tại các cơ sở giữ ổn định và nâng lên. 

Vân Trường (Tiền Hải) là xã đông dân cư, vì vậy số lượng học sinh của Trường Tiểu học Vân Trường và Trường THCS Vân Trường tương đối lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những địa phương có trường học ở hai cấp tiểu học và THCS thuộc diện sáp nhập theo Kế hoạch số 45 của tỉnh. Khi thực hiện, nhà trường có nhiều thuận lợi, đó là hai trường tuy không giáp nhau nhưng cũng khá gần, khuôn viên của hai khu đều rộng rãi, cây xanh thoáng mát; đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, đam mê với công việc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. 

Thầy giáo Nguyễn Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vân Trường chia sẻ: Sau khi sáp nhập, căn cứ theo vị trí việc làm, nhà trường thừa khoảng 9 giáo viên và nhân viên hành chính ở các bộ phận: văn phòng, thư viện, kế toán, giáo viên các môn mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh. Cơ sở vật chất còn hạn chế, cả hai khu đều chưa có phòng chức năng, phòng hiệu bộ chật hẹp không đủ diện tích cho hơn 70 cán bộ, giáo viên sinh hoạt. Ban Giám hiệu đang phụ trách theo chuyên môn đào tạo cho từng cấp học giờ được phân công quản lý cả hai cấp học nên có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Cả giáo viên và Ban Giám hiệu phải dành thời gian để làm quen với đặc thù của cả hai cấp học. Việc chào cờ đầu tuần hoặc sinh hoạt chủ đề, chủ điểm, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể của học sinh và giáo viên vẫn phải tổ chức ở hai điểm trường. Quan trọng nhất là tâm lý, tư tưởng của một bộ phận giáo viên vẫn còn băn khoăn khi sáp nhập.

Cũng giống như Trường Tiểu học và THCS Vân Trường, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà) là một trong những trường thực hiện sáp nhập trong năm học 2018 - 2019. Sau sáp nhập, khuôn viên nhà trường rộng trên 10.500m2, có 3 khu phòng học gồm 25 phòng, trong đó có 22 phòng kiên cố, 2 khu phòng chức năng là phòng cấp 4. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc sáp nhập trường học là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần tinh giản biên chế, giúp các nhà trường khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng bộ môn và tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sau sáp nhập, Trường đã xuất hiện một số khó khăn như: khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng trường liên cấp do mục tiêu giáo dục của mỗi cấp học có đặc thù riêng, phương pháp dạy học mỗi cấp học có sự khác biệt, tâm lý bậc học của mỗi cán bộ, giáo viên đặc biệt là tâm lý của cán bộ quản lý ngại thay đổi cách làm việc, quản lý cộng với khó khăn về cơ sở vật chất của mỗi đơn vị trước và sau khi sáp nhập.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Dân Chủ (Hưng Hà) say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Những vướng mắc, khó khăn của hai trường học trên cũng là khó khăn chung của toàn ngành Giáo dục khi thực hiện sáp nhập. Tại hội nghị công tác quản lý, quản trị trường phổ thông có nhiều cấp học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, đồng chí Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Một số đơn vị sau sáp nhập có điểm trường cách xa nhau, do đó ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành chung của ban giám hiệu và tổng phụ trách. Cơ sở vật chất, phòng hội họp một số đơn vị còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ bảo đảm cho sinh hoạt chung của toàn trường. Tâm lý, tâm tư tình cảm của một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa thật sự hợp tác, hòa đồng sau sáp nhập, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Một số hiệu trưởng còn lúng túng trong công tác bố trí, sử dụng đội ngũ điều hành hoạt động của đơn vị. Một vài phó hiệu trưởng (nguyên là hiệu trưởng trường tiểu học trước khi sáp nhập) và kế toán chưa thực sự hiểu chuyên môn cấp học khác, do đó khó khăn trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Sau sáp nhập, trường liên cấp có 2 phòng thư viện, 2 phòng thiết bị, do đó, cán bộ phụ trách khó khăn trong hoạt động, công tác phục vụ. Khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt tập thể của cấp học này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của cấp học khác.

Đồng chí Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Chưa có quy định pháp lý về xếp hạng trường tiểu học và THCS dẫn đến chế độ của cán bộ quản lý trường 2 cấp học có tổng số lớp cùng hạng với trường 1 cấp học nhưng phụ cấp chức vụ thấp hơn. Việc phân công giáo viên dạy liên cấp học khó khăn do chưa có quy định về phụ cấp đứng lớp với giáo viên dạy liên cấp. Thời gian giảng dạy quy định cho giáo viên 2 cấp học khác nhau do giáo viên dạy tiểu học dạy cả ngày và nghỉ ngày thứ bảy trong khi giáo viên THCS dạy 1 buổi và dạy cả thứ bảy nên việc chọn một ngày giữa tuần để tổ chức hội họp, sinh hoạt toàn trường rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số hoạt động chuyên biệt và thời gian ra vào lớp của 2 cấp học khác nhau nên kéo theo những khó khăn trong sinh hoạt chuyên môn tổ khối, hoạt động ngoài giờ lên lớp và tổ chức các sân chơi giao lưu. 

Như vậy, điều cần nhất đối với các trường hiện nay đó chính là hướng dẫn của ngành Giáo dục và địa phương cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm ổn định hoạt động của các nhà trường sau sáp nhập và bảo đảm chế độ, chính sách để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên yên tâm công tác.

(còn nữa)
Đặng Anh