Thứ 4, 27/11/2024, 11:38[GMT+7]

Sáp nhập trường học: Từ chủ trương đến hành động (Kỳ 3)

Thứ 2, 22/07/2019 | 10:49:34
1,363 lượt xem
Còn hơn 1 tháng nữa, khoảng 360.000 học sinh trong tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới. Trước những vướng mắc, khó khăn sau sáp nhập, ngành Giáo dục và các địa phương đã và đang có những hướng dẫn cụ thể để các nhà trường tự tin bước vào năm học mới.

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học và THCS Vũ Vinh (Vũ Thư).

Kỳ III: Nắm chắc chủ trương, chủ động phương án

(tiếp theo và hết)

Trước những khó khăn của Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà), Ban Giám hiệu nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt để kịp thời ổn định các hoạt động giáo dục. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Điều đầu tiên đó là nâng cao vai trò của hiệu trưởng nhà trường. Nguyên là hiệu trưởng cấp THCS nên tôi đã chủ động tìm hiểu các văn bản, quy định quản lý cấp tiểu học, tích cực dự giờ thăm lớp để nắm bắt thực tế. Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng quy chế dân chủ tại đơn vị sau sáp nhập, quy định chi tiết về lề lối làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của ban chi ủy, ban giám hiệu; quy chế phối hợp giữa chính quyền với công đoàn. Về cơ sở vật chất, nhà trường đã báo cáo, tham mưu với địa phương trong việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu và phù hợp với tình hình. Trong năm học, địa phương và nhà trường đã thực hiện 10 hạng mục công việc như: thay thế biển hiệu, cải tạo tường bao, sân trường, làm sân thể thao… Kinh phí này được lấy từ nguồn ngân sách trường và địa phương, ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Về đội ngũ giáo viên, nhà trường đã phân công giáo viên THCS hỗ trợ cấp tiểu học với thời lượng 12 tiết tiếng Anh, 6 tiết âm nhạc và 6 tiết tin học/tuần. Điều khó khăn nhất mà Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn cần đó là sớm có quyết định công nhận hàng trường và phụ cấp trách nhiệm đối với các thành viên trong Ban Giám hiệu theo quy định hiện hành.

Hiện nay, Thái Thụy là 1 trong 3 địa phương mới hoàn thành được 88,1%  kế hoạch sáp nhập trường học, còn 10 trường tiểu học và THCS trong diện sáp nhập nhưng chưa sáp nhập được. Dự kiến, trong tháng 7 này sẽ sáp nhập 4 trường, tháng 11 sáp nhập 4 trường và tháng 12 sáp nhập 2 trường còn lại. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song ngành Giáo dục huyện đã đề ra một số giải pháp chỉ đạo chuyên môn để bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng ở các trường phổ thông nhiều cấp. 

Đồng chí Bùi Đức Thụy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Ngay sau khi sáp nhập, Phòng đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường liên cấp phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, giáo viên. Cụ thể, đối với giáo viên dạy các môn văn hóa, giáo viên cấp nào vẫn dạy cấp ấy; đối với giáo viên các môn chuyên trách gồm: mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, ngoại ngữ, tin học phân công dạy ở cả hai cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Phòng đã tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên bằng nhiều hình thức: hội nghị trực tuyến về trường phổ thông nhiều cấp, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn dành cho cán bộ quản lý và giáo viên bộ môn của cả hai cấp học. 

Đồng chí Bùi Đức Thụy cho biết thêm: Về những khó khăn như cơ sở vật chất thì chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Tuy nhiên về phụ cấp ngành nghề cho giáo viên, huyện vẫn chờ hướng dẫn từ các cấp, các ngành.

Học sinh Trường Tiểu học Tây Lương (Tiền Hải) trong tiết học trên lớp.

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ban hành hướng dẫn tổ chức và hoạt động của trường tiểu học và THCS công lập trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo hướng dẫn, về tổ chức và hoạt động, đối với tổ văn phòng, mỗi trường phổ thông hai cấp có 5 thành viên: y tế, văn thư, kế toán, thủ quỹ và nhân viên khác; về tổ chuyên môn, cấp tiểu học có 3 tổ, cấp THCS có 2 tổ tự nhiên và xã hội. Dự thảo hướng dẫn cũng quy định cụ thể các tổ chức trong trường, chương trình và các hoạt động giáo dục, mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mà ngành Giáo dục Thái Bình đề ra để hướng dẫn các nhà trường giải quyết những khó khăn về chuyên môn. 

Cũng tại hội nghị công tác quản lý, quản trị trường phổ thông có nhiều cấp học được tổ chức vừa qua, đồng chí Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan như: xây dựng định biên hợp lý, cụ thể về vị trí việc làm tại các trường liên cấp, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên dạy học hai cấp; có những giải pháp phù hợp về cán bộ, giáo viên đang dôi dư; ban hành quy định về trường chuẩn quốc gia tại các trường liên cấp, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường; giải quyết chế độ phụ cấp ưu đãi cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy liên cấp…

Có thể thấy mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song với những kết quả bước đầu đạt được trong năm học vừa qua, quan điểm chung của các nhà trường, các địa phương là thực hiện nghiêm việc sáp nhập trường học. Thời gian tới, để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các nhà trường và thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 45 của tỉnh, rất cần có những hướng dẫn cụ thể cho các nhà trường để việc sáp nhập mang lại hiệu quả thực sự, vừa góp phần tinh gọn bộ máy đồng thời ổn định và nâng chất lượng hoạt động của toàn ngành.

Đặng Anh