Thứ 4, 03/07/2024, 00:22[GMT+7]

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

Thứ 6, 06/09/2019 | 08:28:54
4,933 lượt xem
Theo kế hoạch, từ năm học 2020 - 2021 chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai và áp dụng đầu tiên với lớp 1. Vì vậy, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trọng tâm là nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên để có thể bắt nhịp với chương trình mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình) trong lễ khai giảng năm học mới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật năm học 2018 - 2019?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học 2018 - 2019 là năm học tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW, chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành Giáo dục Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có bước chuyển cơ bản; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS quy mô nhỏ thực hiện sáp nhập theo Kế hoạch số 45 của UBND tỉnh và sau sáp nhập bảo đảm ổn định chất lượng dạy học cũng như các hoạt động giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường được tăng cường, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn liền với công tác xây dựng nông thôn mới, vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương đồng thời góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục ở các cấp học mầm non, phổ thông có chuyển biến tích cực. Kết quả này được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó tập trung qua kết quả kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc, khách quan, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Thái Bình vẫn giữ ổn định và nằm trong tốp 15 tỉnh cao nhất toàn quốc. Số giải và chất lượng giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cao hơn so với năm học 2017 - 2018.

Công tác giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được ngành Giáo dục coi trọng, không có học sinh vi phạm pháp luật. Công tác tham mưu của ngành Giáo dục với cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều thay đổi, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các cơ quan liên quan ngày càng hiệu quả hơn. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xét thăng hạng đối với giáo viên mầm non, phổ thông, qua đó khích lệ đội ngũ nhà giáo trong ngành.

Phóng viên: Những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục Thái Bình trong năm học 2019 - 2020 là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển:
- Một là, ngành Giáo dục tiếp tục chủ động tham mưu quy hoạch mạng lưới trường lớp trong quy hoạch chung của tỉnh gắn liền với việc bảo đảm ổn định chất lượng giáo dục, nhất là với các trường liên cấp sau sáp nhập.
- Hai là, coi trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trước mắt, cần tập trung công tác bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý để phục vụ cho chương trình mới lớp 1 năm học 2020 - 2021.
- Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, quan tâm đến giáo dục mũi nhọn bên cạnh giáo dục đại trà, làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng cho học sinh. Chú trọng cả dạy chữ và dạy người. Tiếp tục tổ chức tốt các kỳ thi bảo đảm khách quan, nghiêm túc, đúng quy định.
- Bốn là, quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình.
- Năm là, đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý đã được hỗ trợ, đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục.
- Sáu là, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng giáo dục. Giải quyết dứt điểm tình trạng một số cơ sở giáo dục thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh xuống cấp, những nơi cơ sở vật chất trường học xuống cấp, không thể sửa chữa được.
- Bảy là, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phóng viên: Một trong những khó khăn của ngành Giáo dục là tình trạng thiếu giáo viên. Trong năm học tới, ngành Giáo dục Thái Bình có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng đó, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển:
Căn cứ hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng khi bắt đầu triển khai thực hiện thì thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy những môn học mới. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu, đề xuất kịp thời việc tuyển bổ sung giáo viên còn thiếu so với định mức được giao để khắc phục khó khăn này.

Phóng viên: Trong thời gian qua, sĩ số học sinh tại các trường nội thành và khu vực thị trấn luôn cao, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Xin đồng chí cho biết để giải quyết vấn đề trên, ngành Giáo dục sẽ có những chỉ đạo như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Trước mắt, khi sĩ số học sinh trên lớp tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường cố gắng tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất để chia lớp nhằm giảm xuống mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, làm tốt việc phân tuyến khu vực tuyển sinh, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu, cho con em học đúng tuyến quy định; làm tốt công tác định hướng phân luồng cho học sinh. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển cơ sở vật chất trường lớp, trong đó có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường. Khuyến khích xây dựng thêm các trường ngoài công lập, tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh/lớp.

Phóng viên: Các khoản thu đầu năm học luôn là vấn đề được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo gì để các trường thực hiện đúng quy định?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các nhà trường thực hiện các khoản thu đúng quy định hiện hành. Tuyệt đối không thu các khoản thu khác ngoài quy định. Sở sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý.

Phóng viên: Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên phạm vi toàn quốc. Ngành Giáo dục Thái Bình đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới?
Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Tuy nhiên, không phải đến năm học 2020 - 2021 mà ngay từ thời điểm này và cả các năm học trước đó Sở đã có những chỉ đạo đến các nhà trường, giáo viên để tích cực chuẩn bị tâm thế cũng như các điều kiện cần thiết cho chương trình mới. Đối với các nhà trường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; có kế hoạch, đề xuất bổ sung đội ngũ, sắp xếp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học một cách hợp lý để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Đối với giáo viên, cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, đặc biệt là tích cực bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tham gia đầy đủ và có chất lượng các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn do các cấp quản lý tổ chức, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được các yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đặng Anh 

(Thực hiện)
         
         


  • Từ khóa