Thứ 4, 03/07/2024, 00:17[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên (tiếp theo và hết)

Thứ 4, 18/09/2019 | 16:35:05
4,672 lượt xem
Không phải đến tận bây giờ ngành Giáo dục mới thực hiện các giải pháp để gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên, thế nhưng, để giải quyết triệt để vẫn cần có những giải pháp căn cơ và có lộ trình để bảo đảm ổn định đội ngũ giáo viên tại các trường.

Hoạt động trên lớp của các cháu Trường Mầm non Hòa Bình (Hưng Hà).

Kỳ III: Từng bước gỡ “nút thắt”

Xác định nguyên nhân

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến đầu tháng 8/2019, cả nước thiếu hàng chục nghìn giáo viên, trong đó chỉ tính riêng bậc học mầm non đã thiếu trên 49.000 giáo viên. Một số tỉnh thiếu trên 1.000 giáo viên như: Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa... Tại Thái Bình, số giáo viên còn thiếu là trên 3.000 giáo viên, chỉ sau Sơn La (3.355 giáo viên). 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và thừa thiếu giáo viên cục bộ ở cấp THCS được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, chủ yếu là do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tăng nhanh dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp đòi hỏi các địa phương phải tăng số lượng trường lớp, số lượng giáo viên để đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục. Đối với cấp THCS, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác, giữa các cấp học cũng không thể thực hiện chuyển giáo viên cấp này sang dạy cấp khác khi không bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo. Nguyên nhân của thực trạng thiếu giáo viên tại Thái Bình cũng không nằm ngoài những nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phân tích báo cáo tổng kết năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây cho thấy, ở bậc học mầm non, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đều tăng qua các năm. Trong khi đó, năm 2012, Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi dẫn đến nhu cầu cần phải bổ sung giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường. Số học sinh ở bậc học mầm non tăng khiến cấp tiểu học cũng tăng theo. Theo thống kê, năm 2015, toàn tỉnh có 3.695 nhóm/lớp mầm non; đến năm 2019, toàn tỉnh có 3.852 nhóm/lớp mầm non, tăng 157 nhóm/lớp.  Sau khi có Nghị quyết số 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hầu hết các tỉnh, thành phố không được giao thêm hoặc nếu có thì được giao thêm rất ít biên chế giáo viên trong khi số học sinh ở các địa phương trong thời gian qua vẫn tăng. 

Tại Thái Bình, mặc dù các huyện, thành phố đã có những đợt tuyển bổ sung biên chế qua các năm song số lượng chỉ tiêu thấp, trong khi đó mỗi năm toàn ngành lại có một bộ phận giáo viên nghỉ hưu, vì vậy không thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các nhà trường.

Từng bước gỡ “nút thắt”

Để khắc phục thực trạng trên, một trong những giải pháp quan trọng tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua là tập trung quy hoạch mạng lưới trường, lớp, trong đó chú trọng thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai việc sáp nhập các trường học theo đúng lộ trình Kế hoạch số 45 của tỉnh nhằm tinh gọn biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 868 trường mầm non, tiểu học và THCS. Sau một năm thực hiện sáp nhập trường học, toàn tỉnh còn 702 trường, giảm 166 trường, đạt 90,84% kế hoạch đề ra. 

Đối với vấn đề thiếu giáo viên trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình thì thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy những môn học mới. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu, đề xuất kịp thời việc tuyển bổ sung giáo viên còn thiếu so với định mức được giao để khắc phục khó khăn này.

Về vấn đề tăng nhanh dân số cơ học dẫn đến tình trạng quá tải, thiếu giáo viên ở khu vực thành phố Thái Bình và khu vực thị trấn, thị tứ, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường cố gắng tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất để chia lớp nhằm giảm đến mức thấp nhất có thể sĩ số học sinh/lớp. Bên cạnh đó, làm tốt việc phân tuyến khu vực tuyển sinh, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu, cho con em học đúng tuyến quy định; làm tốt công tác định hướng phân luồng cho học sinh. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển cơ sở vật chất trường lớp, trong đó có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường có số lượng đông học sinh. Khuyến khích xây dựng thêm các trường ngoài công lập, tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh/lớp.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, có 14 địa phương tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non, trong đó có Thái Bình. Chắc chắn, niềm vui đầu năm học mới này sẽ khiến nhiều giáo viên yên tâm gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Tuyển 2.600 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục Thái Bình, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề thiếu giáo viên tại Thái Bình. Đến năm học này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh Thái Bình được tuyển giáo viên mầm non với trên 2.600 chỉ tiêu. Thời gian tới, Sở Nội vụ cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất về biên chế của ngành Giáo dục để có kế hoạch tuyển dụng.


Đặng Anh

  • Từ khóa