Thứ 3, 02/07/2024, 20:22[GMT+7]

Xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình trở thành trường nghề chất lượng cao của cả nước

Thứ 5, 14/11/2019 | 08:37:31
7,034 lượt xem
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình luôn là địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, cung cấp lao động tay nghề cao cho các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển, 5 năm thành lập Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình về công tác đào tạo nghề của Trường từ khi thành lập đến nay.

Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình liên kết với các doanh nghiệp để học sinh, sinh viên thực hành nâng cao tay nghề.

Phóng viên: Xin ông cho biết quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường trong 15 năm qua?

Ông Phạm Hồng Khang: Từ những năm 2000, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề và đã ban hành Nghị quyết số 13/2000/NQ-TU của Tỉnh ủy về công tác phát triển đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Trên tinh thần Nghị quyết số 13, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 239/2004/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Dạy nghề Thái Bình, cơ sở đào tạo công lập đầu tiên của tỉnh - tiền thân của Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình ngày nay. Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chương trình dạy học; tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Trong 3 năm (2004 - 2006), mỗi năm Trung tâm dạy nghề cho trên 500 lao động nông thôn, chủ yếu là nông dân chưa có tay nghề, người nghèo, dạy nghề cho người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, dạy nghề cho người sau cai nghiện.

Để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 21/4/2006, sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2006/QĐ-UBND thành lập Trường Trung cấp Nghề Thái Bình trên cơ sở Trung tâm Dạy nghề Thái Bình. Từ năm 2006 đến năm 2013, Trường Trung cấp Nghề Thái Bình đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm với trên 2.000 học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp, trên 3.000 người học hệ sơ cấp, trên 1.000 sinh viên hệ liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học với các trường trong và ngoài tỉnh, trong đó có 746 học viên là cán bộ của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh được đào tạo để nâng cao trình độ theo Đề án số 26 của tỉnh. Kết quả đào tạo của Trường đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện công nghiệp.

Phóng viên: Năm 2014, Trường Trung cấp Nghề Thái Bình được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình. Xin ông cho biết bước chuyển mới của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh?

Ông Phạm Hồng Khang: Ngày 7/7/2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 779/QĐ-LĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Thái Bình. Việc được nâng cấp thành trường cao đẳng đã tạo bước đột phá, vị thế mới trong công tác đào tạo của Trường. Từ chỗ chỉ đào tạo các lớp ngắn hạn về lĩnh vực lao động nông thôn, bảo hộ lao động, kỹ thuật an toàn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thương binh và xã hội ở các địa phương, năm 2006, Trường bắt đầu đào tạo trình độ trung cấp, năm 2015 đào tạo nghề ở cả 3 cấp trình độ. Đến nay, Trường đã đào tạo được trên 10.000 lao động kỹ thuật ở các bậc trình độ cho địa phương. Hiện tại, Trường đang đào tạo các nghề: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, may thời trang, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, điện - điện tử, công tác xã hội... Học sinh, sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm; nhiều người đã và đang đảm nhận các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trong tỉnh và cả nước.

Trong quá trình đào tạo, công tác tuyển sinh luôn được Trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Bằng nhiều giải pháp chủ động, tích cực, quy mô tuyển sinh của Trường luôn ổn định và có xu hướng tăng, chất lượng đầu vào được nâng lên hàng năm. Từ năm 2014 đến năm 2019, Trường đã tuyển sinh được trên 3.500 chỉ tiêu hệ trung cấp và cao đẳng; đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 1.000 lao động nông thôn; đào tạo nâng cao trình độ cho trên 500 cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Hiện nay, lưu lượng học sinh, sinh viên của Trường trên 2.000 người. Bên cạnh đó, Trường luôn quan tâm đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; hàng năm đều cử cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học tập, giao lưu, tham dự các hội thảo, hội nghị và nâng cao trình độ tại các trường đại học, đi thực tế để nâng cao kỹ năng nghề tại các doanh nghiệp; đồng thời, chú trọng giáo dục, rèn luyện nhân cách học sinh, sinh viên một cách toàn diện; coi trọng công tác đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, trong đó thời gian thực hành, thực tập tại trường và doanh nghiệp chiếm trên 70%. Hàng năm, qua khảo sát sinh viên tốt nghiệp ra trường có 98,76% sinh viên tìm được việc làm tại các đơn vị, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, trong đó 82,4% sinh viên tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh, trong những năm qua, Trường đã kế thừa và triển khai các dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp trường. Từ năm 2014 đã triển khai xây dựng trụ sở chính hiện nay với tổng kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Từ năm 2016 triển khai xây dựng thêm khu giảng đường, nhà đa năng, cải tạo cảnh quan, môi trường dạy học với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; đầu tư bổ sung trang thiết bị đào tạo từ các dự án, chương trình mục tiêu dạy nghề hàng năm với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngày 11/6/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 820/QĐ-LĐTBXH về việc sáp nhập Trường Trung cấp Xây dựng Thái Bình và Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Kiến Xương vào Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã rà soát, sắp xếp cơ cấu nhân sự phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng cá nhân; tổ chức sắp xếp, chỉnh trang cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới. Việc sáp nhập 2 trường trung cấp đã góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và các nguồn lực cho nhà trường trong giai đoạn mới.

Trang thiết bị được nhà trường đầu tư để học sinh, sinh viên thực hành đạt kết quả cao.

Phóng viên: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thời gian tới nhà trường có kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Khang: Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, nhà trường còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục: việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế; công tác tuyển sinh bậc cao đẳng hàng năm vẫn gặp nhiều khó khăn; chất lượng tuyển sinh đầu vào so với một số trường còn ở mức độ hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, nhà xưởng phục vụ thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên còn thiếu, chưa có ký túc xá cho học sinh, sinh viên...

Để vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trước mắt nhà trường sẽ hoàn thành xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo các nghề; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá công tác học sinh, sinh viên theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chỉ thị số 20 của UBND tỉnh về tăng cường và nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và đề án phát triển nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng cao bảo đảm về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, nhất là kỹ năng dạy thực hành nghề của giáo viên cho học sinh, sinh viên. Đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các hoạt động của nhà trường.

Cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường tham gia hiến máu tình nguyện.

Cùng với đó, Trường tích cực khai thác nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; mở rộng các xưởng thực hành của nhà trường để học sinh, sinh viên được tham gia thực hành, làm ra sản phẩm và có thu nhập ngay trong thời gian học tập; đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên được tham gia thực hành, từ đó nâng cao chất lượng tay nghề. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên; bảo đảm an toàn, an ninh trường học và quan tâm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp để xây dựng nhà trường thành trường nghề chất lượng cao trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 

(Thực hiện)

  • Từ khóa