Thứ 3, 23/07/2024, 05:29[GMT+7]

Diện mạo mới trên quê hương anh hùng

Thứ 6, 20/08/2010 | 10:26:39
1,791 lượt xem
Hồng Minh là 1 trong 8 xã trong tỉnh được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Sau hơn một năm triển khai tổ chức thực hiện, mảnh đất  anh hùng với bề dày truyền thống cách mạng này đang từng bước “ thay da, đổi thịt” với những con đường, trường học, hệ thống thủy lợi... được hình thành theo tiêu chí nông thôn mới.

Trường mầm non xã Hồng Minh - Hưng Hà vừa đầu tư xây dựng mới.

Hồng Minh là 1 trong 8 xã trong tỉnh được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Sau hơn một năm triển khai tổ chức thực hiện, mảnh đất  anh hùng với bề dày truyền thống cách mạng này đang từng bước “ thay da, đổi thịt” với những con đường, trường học, hệ thống thủy lợi... được hình thành theo tiêu chí nông thôn mới.

Ngay sau khi được chọn làm điểm, Hồng Minh đã thành lập ban chỉ đạo tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện, phối hợp cùng ngành chuyên môn bắt tay vào xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Đến nay, Hồng Minh đã hoàn thành quy hoạch chung;  quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã; quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng; quy hoạch 4 vùng sản xuất hàng hóa (bao gồm hai vùng sản xuất 2 vụ lúa + vụ đông, một vùng chuyên lúa và một vùng chuyên màu gieo trồng 3 vụ/ năm).

Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 và dự thảo đề án dồn điền đổi thửa cũng đã xây dựng xong, hiện đang được đưa ra thảo luận công khai ở tất cả các chi bộ, thôn làng. Sau khi hoàn thành các quy hoạch, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số hạng mục trọng yếu, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của cấp trên và nguồn thu từ nội lực, Hồng Minh đã chủ động phân bổ vốn theo từng năm với phương châm ưu tiên cho các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trước.đó, Hồng Minh đã đầu tư 2,2 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, máng liền kề phục vụ sản xuất ở vùng sản xuất số 2 với chiều dài 1000 m, mặt đường 5m, mặt cứng hóa bê tông 3 m; đầu tư 1,5 tỷ đồng cứng hóa kênh mương vùng sản xuất số 1 dài 910 m. Đồng thời, đầu tư gần 360 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng và máy công cụ sạ hàng.

Ngoài ra, Hồng Minh còn xây dựng xong và đưa vào khai thác sử dụng công trình Trường Mầm non tại trung tâm xã với kinh phí đầu tư 700 triệu đồng. Hiện tại, xã đang tập trung nhân lực, vật lực tiếp tục xây dựng hoàn thiện 4 phòng học trường THCS và 2 tuyến đường giao thông nông thôn qua 4 thôn với chiều dài  trên 1000 m, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Về Hồng Minh, tận mắt chứng kiến những công trình mới đang mọc lên ở nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa của chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cán bộ, đảng viên và đặc biệt là quần chúng nhân dân không nhiệt tâm đồng tình ủng hộ sao được khi chính việc triển khai thực hiện chủ trương này mang lại nhiều khởi sắc trong cuộc sống hàng ngày của chính họ. Bởi vậy mà trong quá trình tổ chức thực hiện, Hồng Minh đã vận động được 40 hộ tự nguyện hiến 1270 m2 đất, tháo rỡ 432 m tường xây, 12 cổng nhà, 9 bể nước ăn và một số công trình vệ sinh.... nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thi công bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

 Điều này thực sự đã góp phần không nhỏ giúp  Hồng Minh, tính đến thời điểm này, đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Song, để tiếp tục hoàn thành 10 tiêu chí nông thôn mới còn lại theo Quyết định 2309 ngày 29/9/2009 của UBND tỉnh, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra với Hồng Minh ở những chặng đường tiếp theo.

Đó là sự lúng túng không tránh khỏi trong công tác chỉ đạo điều hành cũng như trong tổ chức thực hiện, bởi đây là việc làm mới. Đó là áp lực của tiến độ hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn. Đặc biệt là những trở ngại từ cuộc “cách mạng” dồn điền đổi thửa trong điều kiện thực tế: đất đai không đồng đều, thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác giữa các vùng có sự chênh lệch lớn...

Khó không nản, mà ngược lại, Hồng Minh xác định đây là cơ hội, là điều kiện thuận lợi không phải bất cứ địa phương nào trong huyện, trong tỉnh cũng dễ có ngay được để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Giải pháp đặt ra của Hồng Minh là huy động, khai thác triệt để các nguồn lực kinh tế với phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Hiện, Hồng Minh đang tận dụng mọi nguồn vốn được phân bổ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch; đồng thời gắn với việc tổ chức thực hiện NQ 104 của BCH Đảng bộ huyện, Đề án 02 của UBND huyện về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống và chỉnh trang các khu dân cư theo tiêu chí nông thôn mới.

 Bên cạnh đó, một giải pháp không thể thiếu là nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể.

Kinh nghiệm từ Hồng Minh là phân công cụ thể từng cán bộ, đảng viên phụ trách địa bàn, bám sát địa bàn, kiên quyết đấu tranh với những thành phần có tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại cấp trên...; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người dân đều nhận thức rõ về chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Thực tế đã khẳng định, xây dựng nông thôn mới là chiến lược đúng đắn, sát thực của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, tạo ra bộ mặt nông thôn mới phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, qua đó đánh thức và khai thác tối đa tiềm năng sẵn có ở nông thôn, như đất đai, lao động, ngành nghề, sự cần cù lao động của nông dân... Cùng với các xã làm điểm khác trong tỉnh, gần hai năm qua, Hồng Minh đã thực sự vượt qua mọi khó khăn, thách thức từng bước đưa chủ trương này vào hiện thực cuộc sống, mang lại diện mạo mới tươi tắn hơn, tốt đẹp hơn cho con người.

Nguyên Bình

  • Từ khóa