Thứ 5, 28/11/2024, 13:33[GMT+7]

Giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:14:18
8,026 lượt xem
Để giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử của quê hương qua các thời kỳ, những năm qua, ngành Giáo dục Thái Bình đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh. Qua đó góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thanh thiếu niên.

Thầy và trò Trường THPT Lý Bôn tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Từ phấn trắng bảng đen…

Trường THPT Lý Bôn được thành lập từ năm 1967. Ngược dòng lịch sử tìm về những địa chỉ đánh dấu những dấu mốc quan trọng trong 53 năm xây dựng và phát triển, thầy giáo Đỗ Văn Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Bôn nhớ lại: Từ năm 1968 đến năm 1974, Trường đóng tại nơi sơ tán Đình Nghè, xóm Chiến Đấu, thôn Đức Hiệp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư. Đây là thời kỳ gian nan, vất vả nhất của nhà trường. Trong bom đạn chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, chỉ có 8 phòng học nhà tranh, vách đất, lợp lá mía, bàn ghế học sinh là những đoạn tre, mảnh gỗ ghép lại, cùng với hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục hầm chữ A để thầy và trò tránh bom đạn khi máy bay giặc Mỹ oanh tạc. Có được ngôi trường khang trang như ngày hôm nay là nhờ công sức, trí tuệ của các thế hệ nhà giáo và học sinh. Để giúp học sinh hiểu hơn về truyền thống của trường, ngay từ những ngày sinh hoạt đầu tiên của năm học mới, trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm truyền đạt đến học sinh về lịch sử phát triển của trường và xã Hiệp Hòa. Bên cạnh đó, trong kế hoạch năm học, tất cả giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn xã hội dạy lồng ghép kiến thức về lịch sử, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Vũ Thư và tỉnh Thái Bình.

Thầy giáo Đỗ Văn Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Bôn cho biết thêm: Việc giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho học sinh không chỉ được trường thực hiện dạy lồng ghép trong các môn học mà còn được thực hiện trong các buổi ngoại khóa của học sinh. Khách mời là những cựu chiến binh Hội Cựu chiến binh huyện, tỉnh, những người từng đi qua bão lửa chiến tranh, trực tiếp sống và chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Đây là những “bằng chứng sống”, có sức thuyết phục và lan tỏa lớn đối với học sinh. 

Em Nguyễn Thanh Bình, học sinh Trường THPT Lý Bôn chia sẻ: Cùng với những kiến thức được thầy cô giáo giảng dạy trên lớp, những câu chuyện thời chiến do các bác cựu chiến binh kể lại càng khiến em ghi nhớ được lâu. Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống là cách làm hay, tác động vào sự hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng sống, ý chí, bản lĩnh cho thanh thiếu niên, từ đó góp phần củng cố niềm tin vững chắc cho thế hệ trẻ vào con đường, sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đến những di tích lịch sử

Di tích, địa danh lịch sử địa phương có giá trị to lớn, mang ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước. Trong những năm qua, ngành Giáo dục Hưng Hà đã triển khai đồng bộ và thực hiện quyết liệt việc dạy học gắn với di tích lịch sử địa phương. 

Cô giáo Phạm Hồng Lê, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) là một trong những giáo viên đi đầu trong việc dạy học theo phương pháp này. Tham dự một tiết học thực địa trong bài học “Nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ quốc gia Đại Việt” cùng cô giáo Phạm Hồng Lê và các học trò tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần mới thấy phương pháp dạy và học có rất nhiều mới lạ, tạo nhiều hứng thú trong học tập cho học sinh. Sau khi đã được cung cấp một khối lượng kiến thức qua 4 tiết dạy trên lớp, trong 2 tiết học thực địa, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Hồng Lê và nghe trực tiếp thành viên ban quản lý di tích chia sẻ thêm những thông tin thực tế như: tại sao tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần lại chỉ thờ các vị vua có mộ tại đây, điểm khác giữa đền Trần Thái Bình và đền Trần Nam Định... đã giúp các em học sinh hiểu thêm về lịch sử vương triều Trần, hiểu và thêm tự hào về mảnh đất Ngự Thiên xưa, Hưng Hà ngày nay - mảnh đất với những con người anh dũng, trung hiếu đã góp phần dựng xây nên một vương triều hùng mạnh trong lịch sử Việt Nam. 

Cô giáo Phạm Hồng Lê chia sẻ: Những thế mạnh của mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử sẽ là minh chứng, tư liệu sát với lịch sử nhất để truyền thụ cho học sinh, qua đó bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ học sinh, từ đó các em thấy phải có trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương.

Không chỉ tại Hưng Hà, việc giáo dục truyền thống quê hương đã và đang được nhân rộng ở các trường học. 

Ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử, thu hút học sinh. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn là khi các em được hiểu về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương.

Để cùng về nguồn

Cùng với việc giáo dục trong trường học, tại các di tích lịch sử, các hoạt động như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tiếp lửa truyền thống”; thăm hỏi, gặp gỡ giao lưu với gia đình các nhân vật lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay tại địa phương cũng được coi là cách làm hay tác động vào sự hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng sống, ý chí, bản lĩnh cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay. Vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12... công tác này được ngành Giáo dục đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trồng hoa, cây cảnh, quét vôi mộ liệt sĩ, thắp nến tri ân... Đây chính là hình thức giáo dục trực quan sinh động, tác động sâu sắc tới nhận thức, tình cảm của học sinh.

Có thể khẳng định, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống đất và người Thái Bình.

Đặng Anh