Chủ nhật, 12/01/2025, 14:56[GMT+7]

Sự học trên đất Thái Bình - nhìn từ phong trào bình dân học vụ

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:51:44
4,038 lượt xem
Trong ký ức của những người năm nay đã ở độ tuổi 85, 90, tháng ngày tham gia phong trào bình dân học vụ là hình ảnh cả nước, cả huyện, cả thôn đi đến đâu cũng nghe thấy những con chữ được cất vang. Phong trào học tập, diệt giặc dốt được đẩy mạnh chưa từng có. Nhờ nền móng này, các phong trào thi đua dạy và học trong ngành Giáo dục được nâng cao, đưa nền giáo dục Việt Nam không ngừng phát triển.

Lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Ký ức về bình dân học vụ

Trong một lần về làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi những thầy cô giáo làm công tác bình dân học vụ là những “vô danh anh hùng” vì những đóng góp thầm lặng của họ. Và Bác cũng nói “học bình dân cũng là học đạo đức”. Điều này càng ngẫm càng thấy đúng bởi người dạy nhiệt tình, không vụ lợi còn người học thì hăng say. Người ta, dù bận đến mấy, dù có đói đến mấy nhưng vẫn kéo nhau đi học. Các ông bà già, rồi các chị phụ nữ tay ấp con mọn vẫn đi học. Vật chất phục vụ học tập khó khăn nên trên lưng con trâu người ta cũng có thể viết chữ lên được. Cứ phương tiện gì học được là học. Không có bút thì thầy cầm cái que vạch lên mặt đất.

 Theo phân tích của GS, TS Phạm Tất Dong, phong trào bình dân học vụ thời điểm đó rất khác với phong trào học tập hiện nay. Bởi lúc bấy giờ 95% nhân dân mù chữ nên việc ai cũng đi học để có cái chữ là cực kỳ cấp bách. Hơn nữa, thời kỳ ấy cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là cuộc kháng chiến hết sức căng thẳng, trong bối cảnh ấy không trau dồi tri thức, không học không được. Tính cấp bách và tính chiến đấu ngang nhau và chỉ có quyết liệt, bền gan vững chí mới có thể giành thắng lợi.

Để hiểu rõ những chia sẻ của GS, TS Phạm Tất Dong, lần theo con đường nông thôn mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp, chúng tôi tìm về nhà bà Nguyễn Thị Múi (sinh năm 1932), ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ). Ở tuổi 88, bà vẫn còn minh mẫn và nhớ như in ký ức về những lớp học bình dân học vụ. 

Bà Múi nhớ lại: Khi ấy, ban ngày mọi người tham gia sản xuất, hễ trời chuyển tối, từ người già đến trẻ nhỏ lại tất bật mang vở, bút, xách đèn dầu đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Trong ánh đèn dầu lập lòe, những mái đầu cặm cụi, ê a đánh vần. Người biết nhiều chữ dạy lại, kèm cặp cho người biết ít, cứ vậy dần dần tất thảy đều biết đọc, biết viết. Hồi ấy, không biết chữ được coi như một loại giặc, vì vậy việc học được các thôn làng thực hiện ở khắp nơi. Không chỉ học ở đình làng hay trong căn nhà lá đơn sơ, những con chữ còn được coi như “mật khẩu” để vào làng.

Bà Múi kể tiếp: Cổng làng thường là nơi đông người qua lại. Vì vậy, thầy giáo thường để cái nong, cái bảng, ai đi qua thì chỉ chữ bắt đọc, đọc được thì được qua. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc ấy mà tôi và nhiều người khác đã nhanh biết đọc, biết viết. Từ lớp học này, tôi và nhiều bạn dù nhỏ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng.

Sôi nổi các phong trào thi đua

Có thể thấy, kinh nghiệm từ phong trào bình dân học vụ đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa và được vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng. Chặng đường hơn 70 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành Giáo dục Thái Bình từng bước có những khởi sắc, thành tích học tập có nhiều chuyển biến tích cực, được cả nước biết đến với những tấm huy chương tầm quốc tế. Thành quả ấy có được là sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ nhà giáo và học sinh, trong đó Trường THPT Chuyên Thái Bình được biết đến là một trong những cái nôi đào tạo, bồi dưỡng học sinh tài năng. Trải qua 31 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, các thế hệ học sinh của Trường đã góp phần vào thành tích chung của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà với 14 học sinh đạt giải quốc tế và khu vực, trên 1.200 lượt học sinh đạt giải quốc gia. Đặc biệt, em Nguyễn Xuân Trung đã 2 lần giành huy chương vàng toán quốc tế. Em chính là tấm gương sáng để các bạn noi theo.

Không chỉ chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục đại trà cũng từng bước được nâng lên. Công tác giáo dục thể chất, thẩm mỹ, hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Để có được những kết quả trên là nhờ sự tích cực đổi mới mọi mặt của ngành Giáo dục Thái Bình qua các thời kỳ. 

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Nhìn tổng thể, việc đổi mới giáo dục được thực hiện ở tất cả các cấp học, trên tất cả các lĩnh vực của ngành; đặc biệt, việc đổi mới, sáng tạo trong quản lý được toàn ngành đặc biệt chú trọng. Cấp học phổ thông đã tăng cường đổi mới tổ chức các hoạt động trong giờ học chính khóa, ngoại khóa, chú trọng năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh; phát triển các năng lực, phẩm chất thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; cấp trung học cơ sở đã phát động và tổ chức hiệu quả cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” từ cấp trường đến cấp quốc gia. Nhiều thư viện mở, thư viện xanh được các trường học triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Cùng với đổi mới giáo dục, trong những năm qua, ngành Giáo dục Thái Bình còn tổ chức nhiều phong trào thi đua, tạo ra khí thế sôi nổi trong các nhà trường. Trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, ngành Giáo dục Thái Bình đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chính sách để thực hiện tiêu chí số 5 và số 14 về tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, năm học vừa qua đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ về chất các cuộc vận động trong ngành. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc trong đội ngũ nhà giáo, người lao động. Cùng với đó, các cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo.

Tự hào về truyền thống, về cái nôi giáo dục từ thuở ban đầu, các phong trào thi đua dạy và học tiếp tục là động lực để giáo dục và đào tạo phát triển. Ngành Giáo dục Thái Bình đang bước vào giai đoạn mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chiến lược để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

 Đặng Anh