Thứ 6, 26/04/2024, 18:17[GMT+7]

Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Thứ 2, 24/08/2020 | 09:13:20
5,236 lượt xem
Cùng với các chính sách của Trung ương, Thái Bình đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tận dụng các chính sách này cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nông dân đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.

Vùng trồng ớt tập trung tại huyện Quỳnh Phụ giá trị sản xuất đạt 120 triệu đồng/ha/vụ.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã giành được thắng lợi tương đối toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Với quan điểm hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, cùng với các chính sách của Trung ương thì tỉnh đã chủ động ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND, ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 3312/QĐ-UBND, ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các chính sách khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Các cơ chế, chính sách hỗ trợ được ban hành đã tạo điều kiện cho các địa phương đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung; chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Vụ đông được xác định là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành, do đó, hàng năm UBND tỉnh luôn dành kinh phí từ 9,8 - 10,4 tỷ đồng hỗ trợ vụ đông, tập trung vào mở rộng diện tích, phát triển cây trồng chủ lực có bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, nông dân tập trung mở rộng diện tích sản xuất vụ đông từ 34.711ha (năm 2015) tăng lên 35.075ha (năm 2016) và đạt 36.278ha (năm 2019). Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất vụ hè, hỗ trợ thuốc diệt chuột, hỗ trợ tích tụ ruộng đất… đã góp phần không nhỏ đưa tăng trưởng ngành trồng trọt giai đoạn 2015 - 2018 đạt bình quân 1,05%/năm; sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm, năng suất lúa gạo của Thái Bình nằm trong nhóm cao nhất của cả nước, bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và hiệu quả cao.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện đạt trên 14 triệu con.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cơ chế hỗ trợ kinh phí mua liều tinh lợn, kinh phí mua vắc-xin phòng các bệnh “đỏ” ở lợn, hỗ trợ việc đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAHP trang trại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại… đã góp phần phát triển ổn định số lượng, sản lượng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ cấu giống vật nuôi chuyển biến theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; phương thức chăn nuôi tập trung, công nghiệp được đẩy mạnh. Chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP được người dân tích cực áp dụng; khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được ứng dụng đem lại năng suất, giá trị, sản lượng cao trong chăn nuôi; hình thành một số mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi hoạt động hiệu quả.

Chiếm 19% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, những năm qua, lĩnh vực thủy sản đã có bước tiến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó nuôi trồng thủy sản định hướng phát triển đa dạng các đối tượng có giá trị kinh tế (ngao, tôm, cua, hàu, cá vược, cá song, cá lăng…). Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, nuôi trồng thủy sản có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh theo quy trình công nghệ mới; năng suất nuôi tăng 3 - 5 lần so với hình thức nuôi thông thường (năng suất nuôi ngao trung bình đạt 50 tấn/ha, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ mới đạt 20 - 40 tấn/ha/vụ, 3 - 4 vụ/năm…). Dự kiến tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 257.070 tấn, tăng 40% so với năm 2015. Có được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của nội lực, một phần nhờ tác động tích cực từ các cơ chế, chính sách đã hỗ trợ, khuyến khích bà con nông, ngư dân đầu tư nhân lực, nguồn vốn phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Các chính sách hỗ trợ cũng như việc xác định hướng đi đúng cho nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã mang lại thành quả ấm no cho người dân và sự phát triển đi lên của nông nghiệp tỉnh nhà.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày