Thứ 2, 20/05/2024, 19:58[GMT+7]

Tấm phiếu xanh thông hành ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Thứ 3, 25/08/2020 | 08:39:50
378 lượt xem

Người dân khai báo y tế khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, có những F0 “giấu mặt” khi không xuất hiện những triệu chứng nhiễm bệnh gây khó khăn trong việc phát hiện người nhiễm bệnh tại các bệnh viện. Ở một số cơ sở y tế đã ghi nhận có cán bộ y tế bị lây nhiễm Covid-19. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại cơ sở y tế, một trong những giải pháp sáng tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai thực hiện là yêu cầu tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến khám, điều trị phải khai báo y tế, trong đó một phần của giấy khai báo có xác nhận của Bệnh viện sẽ được phát cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2 của dịch bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện nghiêm các hoạt động phòng, chống dịch từ việc phân luồng tiếp nhận, yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đến khai báo y tế... Đối với việc khai báo y tế, ở giai đoạn 2 của dịch bệnh, Bệnh viện đã có sáng kiến giúp tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nếu như ở giai đoạn 1 chỉ có 1 tờ giấy khai báo y tế lưu lại ở các khoa thì đến giai đoạn 2 giấy khai báo được chia làm 2 phần, 1 phần do Bệnh viện lưu giữ và 1 phần có đóng dấu xác nhận đã kê khai thông tin y tế phát cho người bệnh. Giấy khai báo y tế có ý nghĩa như một tấm phiếu xanh thông hành của người bệnh trong 14 ngày điều trị tại Bệnh viện.

Bệnh nhân Lưu Thúy Hòa, xã Hòa An (Thái Thụy) chia sẻ: Tôi chạy thận đã 7 năm nay. Mỗi tuần 3 lần vào các ngày thứ ba, năm, bảy, tôi đều đến Bệnh viện để chạy thận. Gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng nên các bệnh viện siết chặt hơn việc phân luồng tiếp đón bệnh nhân. Khi người bệnh đến khám, bệnh nhân được yêu cầu khai báo y tế và được phát phiếu có dấu đỏ của Bệnh viện nhằm thuận tiện trong quá trình đi lại, điều trị tại Bệnh viện. Tôi thấy đây là một việc làm rất cần thiết, giúp bệnh nhân cảm thấy yên tâm hơn và đỡ mất thời gian khai báo y tế nhiều lần khi phải điều trị dài ngày. Do nhà xa nên mỗi lần đi chạy thận nhân tạo, tôi phải đi xe bus. Các bác sĩ cũng thường xuyên dặn dò tôi không tiếp xúc nơi đông người, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.

Ngoài giải pháp sử dụng tấm phiếu xanh thông hành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện nghiêm các quy định của ngành Y tế về việc phân luồng, cách ly, giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ nhân viên y tế trong Bệnh viện để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong Bệnh viện. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Giai đoạn 2 của dịch bệnh, Bệnh viện đã tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn sát khuẩn tay, đeo khẩu trang... bằng nhiều hình thức để người bệnh, người nhà dễ hiểu, dễ thực hiện, đồng thời yêu cầu mỗi người bệnh chỉ có 1 người nhà chăm sóc cố định trong suốt thời gian điều trị. Ngoài việc kê khai ở bộ phận đón tiếp tại cổng, vào trong khoa, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ hỏi lại thông tin bởi đã có trường hợp có bệnh nhân, người nhà bệnh nhân kê khai không trung thực. Mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà chăm sóc cố định và tạm dừng việc vào thăm bệnh nhân. Về việc phân luồng, đối với bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 có bệnh lý nền, Bệnh viện đã bố trí một khu vực riêng điều trị. Những bệnh nhân này được khám, điều trị theo đúng quy trình phòng dịch. Các bác sĩ, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với người bệnh. Đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến các khoa chuyên khoa. Tuy nhiên, do có những trường hợp nặng nên mỗi khoa sẽ bố trí 1 khu vực riêng điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm. Khu vực điều trị được sắp xếp ở cuối khoa và ít người đi lại. Với những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 mà có yếu tố lâm sàng sốt, ho, khó thở sẽ được chuyển ngay vào Khoa Truyền nhiễm, được xét nghiệm Covid-19. Nếu bệnh nhân dương tính sẽ điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, nếu âm tính sẽ chuyển sang Bệnh viện Phổi để cách ly, theo dõi, điều trị. Với bệnh nhân nặng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Bệnh viện đã xây dựng phương án nếu có 1 - 2 bệnh nhân chạy thận mắc Covid-19 thì sẽ chuyển Khoa Truyền nhiễm điều trị song nếu số lượng bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc Covid-19 đông, Bệnh viện sẽ chuyển những bệnh nhân chạy thận nhân tạo không mắc Covid-19 về các cơ sở chạy thận nhân tạo khác trong tỉnh để đề phòng lây nhiễm, đồng thời tập trung điều trị cho bệnh nhân chạy thận bị nhiễm Covid-19.

Việc bảo đảm an toàn tại các cơ sở y tế không phải là câu chuyện mới khi đã có một số bệnh viện bị phong tỏa để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch. Mới đây, tại cuộc họp giao ban với các địa phương, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa nhấn mạnh phải bảo vệ bằng được các điểm cốt tử của bệnh viện như: khoa hồi sức, khoa thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế. Nếu để dịch Covid-19 xâm nhập vào khu vực này thì rất nguy hiểm. Các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế, rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong tỏa, nhiều bệnh nhân và cán bộ y tế dương tính để nâng cao khả năng ứng phó nếu không sẽ bị luống cuống trong xử lý khi dịch xảy ra tại cơ sở khám chữa bệnh.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày