Thứ 2, 29/07/2024, 21:26[GMT+7]

Cảng Ba Lạt: Đánh thức tiềm năng biển

Thứ 3, 25/08/2020 | 09:33:00
25,588 lượt xem
Cảng Ba Lạt được đầu tư hiện đại hứa hẹn trở thành cửa ngõ đưa hàng hóa thông thương từ Thái Bình tới các vùng trong cả nước và đến các nước trên thế giới một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả kinh tế cao. Đây là một trong những dự án cảng logistic có tầm vóc đánh thức tiềm năng biển, đúng với chủ trương phát triển hướng ra biển mà Đảng bộ tỉnh đã hoạch định.

Khu bến cá xã Nam Phú hiện nay được quy hoạch vào dự án phát triển cảng Ba Lạt.

Cảng Ba Lạt được quy hoạch trên địa bàn xã Nam Phú (Tiền Hải) với tổng diện tích 150ha gồm 111,2ha trên cạn và 38,8ha vùng nước. Đây là vị trí thuận lợi, có tính kết nối cao bởi nằm gần các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay Cát Bi, cảng biển nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), tiếp cận trực tiếp với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt của quốc gia và nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt, nguồn hàng hóa ra, vào tỉnh dự báo sẽ tăng mạnh khi Khu kinh tế Thái Bình đi vào hoạt động và các tỉnh lân cận đẩy nhanh phát triển công nghiệp. Theo tính toán của đơn vị tư vấn dự án cảng Ba Lạt, lượng hàng dự báo thông qua cảng khoảng 5 triệu tấn/năm trở lên được phân bố theo các giai đoạn: đến năm 2025 khoảng 2,5 triệu tấn/năm; đến năm 2027 khoảng 4 triệu tấn/năm; đến năm 2030 khoảng 5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, hiện nay các cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh) đang quá tải nên cảng Ba Lạt đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng hàng hóa không nhỏ của hai cảng này. Không dừng lại ở đó, khi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA được thực thi sâu rộng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác thương mại gia tăng nhanh chóng tạo nguồn hàng lớn thông qua cảng Ba Lạt.

Dựa trên những tính toán nhu cầu logistic của tỉnh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành đã đề xuất phân chia cảng Ba Lạt thành 2 khu gồm khu cảng cho hàng tổng hợp, container, hàng rời với 5 bến cập tàu, mỗi bến có chiều dài bến 250m đáp ứng cho loại tàu đến 30.000 DWT ra vào neo cập; khu cảng cho hàng lỏng với 3 bến cập tàu, mỗi bến có chiều dài 200m đáp ứng cho tàu đến 30.000 DWT ra vào neo cập. Các sản phẩm và dịch vụ của cảng Ba Lạt như dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy; bốc xếp lên, xuống phương tiện phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng; kho bãi lưu hàng hóa; kiểm đếm, giao nhận và xuất ủy thác theo yêu cầu của khách hàng... Theo thiết kế, hoạt động bốc xếp tại cảng được vận hành bởi hệ thống thiết bị hiện đại, trong đó phải kể đến cần trục cổng chạy trên ray sức cẩu 40 tấn có kết hợp cần cẩu tàu, tầm với tối đa 18m; hệ thống cần trục RTG để vận chuyển bốc xếp container với sức nâng 40 tấn và đầy đủ xe nâng, xe tải.

Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành cho biết: Đây là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, phục vụ tích cực cho sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, vì vậy nhà đầu tư xác định sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một cảng biển quốc gia. Cảng Ba Lạt có tổng mức đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Trên cơ sở hoạch toán thu chi, dự án có mức giá trị hiện tại ròng đạt khoảng hơn 2.000 tỷ đồng; suất thu lợi nội tại IRR đạt 17,81%/năm, suất thu lợi tối thiểu đạt 10,10%/năm nên thời hạn hoàn vốn tính từ thời gian xây dựng khoảng 12,22 năm. Dự án không chỉ được đánh giá là hiệu quả, xứng tầm để đầu tư mà còn góp phần tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương và vùng lân cận.

Dự án cảng Ba Lạt hiện đã được nhà đầu tư hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu xin ý kiến một số bộ, ngành, hội đồng thẩm định, HĐND tỉnh và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nhà đầu tư cũng đang khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư và phấn đấu sớm động thổ khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải

Vùng đất và nước cửa biển Ba Lạt có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường thủy, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phát huy. Được tỉnh quy hoạch dự án cảng Ba Lạt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Nam Phú rất phấn khởi và nhất trí cao. Xác định đây là dự án có tác động tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, phục vụ sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói chung nên cấp ủy, chính quyền xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và nhà đầu tư làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của dự án, tạo sự đồng thuận ủng hộ thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch, nhanh chóng để dự án sớm đi vào hoạt động.

Ông Trần Tiến Cảnh, Trưởng thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải

Diện tích quy hoạch thực hiện dự án cảng Ba Lạt vốn là vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản: tôm thẻ, tôm sú, cua và cá tự nhiên, là sinh kế của người dân địa phương. Song do thiếu nguồn lao động, hạn chế về kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, bà con chủ yếu nuôi quảng canh và bán thâm canh nên cho hiệu quả kinh tế thấp, bình quân chỉ đạt 60 triệu đồng/ha. Biết có dự án phát triển cảng Ba Lạt, nhân dân rất ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm khang trang và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ông Trần Tấn Đạt, đảng viên Chi bộ thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải

Được cấp ủy, chính quyền công khai về chủ trương, quy hoạch phát triển cảng Ba Lạt, tôi rất phấn khởi bởi đây là dự án có quy mô lớn đầu tư tại địa phương. Dự án hứa hẹn sẽ góp phần đổi mới hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy vốn đang bất cập và xuống cấp giúp người dân thuận lợi trong giao thương, đi lại an toàn hơn. Ngoài tạo việc làm trực tiếp cho người dân, cảng Ba Lạt cũng mở ra cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ của các địa phương trong vùng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Chính vì thế, đảng viên và người dân xã Nam Phú rất mong mỏi dự án sớm được khởi công.


Khắc Duẩn

Nguyễn Văn Tuấn - 4 năm trước

Tỉnh ta đầu tư cảng Ba Lạt theo tôi là hợp lý về vị trí địa lý cũng như hiệu quả về kinh doanh thương mại và phát triển bền vững logistic: Về đị lý phía nam giáp Nam Định, phía Bắc giáp Hải Phòng ( Lạch Huyện) vị trí cảng có đường giao thông thủy chính là sông Hồng. Tại đây có thể kết nối với tất cả các cảng thủy nội địa từ các tỉnh nằm hai bờ tả, hữu sông Hồng . Về phù sa toái thời điểm này do các thủy điện ở đầu nguồn chặn lại nên hiện tại phù sa sông Hồng không đáng kể. Nếu tỉnh đầu tư cảng tại Diêm Điền theo tôi là rất tốn kém và không hợp lý, bởi vì bờ biển của ta nằm trên trục nam-bắc, về mùa sóng gió nam thổi đẩy toàn bộ phù sa của sông Hồng sang cửa Trà Lý, từ cửa Trà Lý sang cửa Diêm Hộ. Cộng với việc sông Diêm thời nay không có dòng chảy vì Cống Trà Ninh ngăn lại nên luồng của cảng phải thường xuyên lại vét ( vì không có dòng chảy lên không duy trì luồng năng tự nhiên được)

trần trọng hy - 4 năm trước

đọc bài viết mà mình chả hiểu tác giả viết ở đây là ý gì nữa, nếu làm cảng tổng hợp và hàng rời và hàng container thì ít nhất mớm nước khu vực , địa thế đường bộ ... Nói chung chung mà chả biết chung chung cái gì , đầu tư cầu cảng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu container thì cầu cảng phải đạt 700m , 3 tàu hàng rời mà tàu 3 vạn cũng 700m . Nói chung chả ai đầu tư cảng tổng hợp ở khu vực mà cả tháng gom chắc được 200 cont cả , Chỉ muốn nói người viết bài khi phân tích tìm hiểu rõ và viết sắc sảo chút , mình chuyên làm cảng nên cũng có chút hiểu biết nên thấy ko hợp lý

Phạm Đắc Bi - 4 năm trước

Tỉnh ta chỉ nên quan tâm cảng Diêm Điền thôi. Cảng Ba Lạt cửa sông Hồng bồi lắng nhiều, không khả thi.

Tải thêm