Chủ nhật, 19/05/2024, 19:22[GMT+7]

Kiên định “mục tiêu kép”

Thứ 5, 03/09/2020 | 08:25:20
6,567 lượt xem
Kiên định thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh không chỉ quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà còn tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ và May mặc xuất khẩu Ngọc Hiến (Hưng Hà) duy trì sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chính vì thế, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay luôn duy trì phát triển ổn định, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.

Vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhất là sự bùng phát trở lại vào ngày 25/7 tại Đà Nẵng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là phát triển kinh tế của đất nước cũng như của tỉnh. Tại tỉnh ta, ngày 1/8 đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng là bệnh nhân số 566 (có liên quan đến bệnh nhân số 522).

 Ngay sau đó, tỉnh đã chỉ đạo phong tỏa thôn Bùi, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà - nơi cư trú của bệnh nhân số 566 và phong tỏa khu dân cư số 7, thôn Lạc Thành Nam, xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải - nơi có liên quan đến bệnh nhân số 714. Tuy nhiên, với quan điểm xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “Lấy phòng dịch làm ưu tiên”, ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho tỉnh những giải pháp phòng, chống quyết liệt, đồng bộ và phù hợp với diễn biến tình hình dịch, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo rà soát, truy vết, xét nghiệm, quản lý, cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh, trường hợp có nguy cơ từ các ổ dịch về. Chính vì thế, đến nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được khống chế; các ổ dịch, ca bệnh nhiễm Covid-19 được xử lý nhanh, triệt để không để lây lan ra cộng đồng.

Không chỉ tập trung phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh còn tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm bù đắp lại những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 được tỉnh tích cực triển khai thực hiện như: hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế theo Nghị định số 41 của Chính phủ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… 

Bên cạnh đó, tỉnh còn theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án; tập trung tháo gỡ các rào cản, khó khăn của các dự án đầu tư công; tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong từng dự án, tập trung vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân; chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 để bổ sung cho các dự án trọng điểm, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính vì thế, đến nay Thái Bình nằm trong tốp đầu của cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, đạt hơn 70% kế hoạch được giao. Công tác triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được  chú trọng thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Đến hết tháng 8/2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 2.740 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 với nhiều dự án trọng điểm được thực hiện như: tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, tuyến đường 221A, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình… 

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, chú trọng thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điểm sáng bức tranh kinh tế

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng nhờ triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay vẫn cơ bản duy trì ổn định. Bằng chứng là sau những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế của 6 tháng đầu năm đó là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đứng thứ 4 của vùng đồng bằng sông Hồng với giá trị ước đạt 25.419 tỷ đồng, đạt 44,4% kế hoạch, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2019; các ngành, lĩnh vực của tỉnh chủ động vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2 để duy trì phát triển ổn định. 

Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã tập trung cho sản xuất vụ mùa với tổng diện tích gieo cấy lúa đạt gần 78.000ha, vượt 3,2% so với kế hoạch đề ra; tích cực chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là phòng, chống sự lây lan trở lại của bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, quan tâm phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. 

Đến hết tháng 8/2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 165.100 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 62.600 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019 và sản lượng nuôi trồng ước đạt 102.500 tấn, tăng  5,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục được phục hồi với giá trị sản xuất 8 tháng ước đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó chỉ tính riêng tháng 8/2020 - là thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 2% so với tháng 7/2020. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: phụ tùng của xe có động cơ tăng hơn 5 lần, túi khí an toàn tăng hơn 3,6 lần, dịch vụ tráng phủ kim loại tăng trên 28%, thức ăn cho gia súc tăng 29,5%, điện sản xuất tăng 20,6%...

Tín hiệu tích cực nữa trong bức tranh kinh tế của tỉnh đến nay đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục được phục hồi. Đến hết tháng 8/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 26.500 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019 với nhiều nhóm hàng tăng cao như: đá quý, kim loại tăng 30,1%, lương thực, thực phẩm tăng 14,5%, xăng dầu tăng 6,3%... 

Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có sự khởi sắc với mức tăng trưởng tín dụng đạt 1% so với thời điểm cuối năm 2019, dư nợ cho vay đạt gần 60.000 tỷ đồng; trong đó cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 20%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 31% và lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 49% tổng dư nợ cho vay.

Đến nay, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Chính vì thế, để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công và chung sống an toàn với dịch.

Minh Hương