Thứ 6, 22/11/2024, 04:21[GMT+7]

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt của G20

Thứ 6, 04/09/2020 | 07:25:53
1,354 lượt xem
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, Chủ tịch G20 năm 2020, tối 3/9/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến G20 về chủ đề “Tăng cường hợp tác qua biên giới”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.

Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt của G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ. Các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới tuy góp phần kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch nhưng cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội, gây gián đoạn các chuỗi thương mại - đầu tư và ngưng trệ giao lưu quốc tế.

Tham dự Hội nghị trực tuyến có Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên G20 và một số nước khách mời (Việt Nam, Singapore, Jordan, UAE, Rwanda, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tại Hội nghị trực tuyến, các Bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức quốc tế tiếp tục khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó dịch COVID-19, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội và thúc đẩy phục hồi sau dịch; thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp quản lý biên giới; tăng cường phối hợp trong việc đưa công dân trở về nước và điều trị cho công dân nước ngoài; thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác chung nhằm nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Chia sẻ với các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 trực tuyến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là cần thiết hơn bao giờ hết để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của G20 trong chống dịch COVID-19, nghiên cứu vắc-xin và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu; cảm ơn các nước G20 đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó dịch hiệu quả, nhất là phối hợp đưa công dân Việt Nam trở về nước an toàn. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã phát huy tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, phối hợp chặt chẽ với các đối tác duy trì các hoạt động hợp tác, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi kinh tế.

Từ thực tiễn hợp tác trong ASEAN và kinh nghiệm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ các biện pháp thúc đẩy hợp tác quản lý biên giới trong ứng phó với dịch COVID-19 như: Nhấn mạnh cần tăng cường quản lý biên giới trên tinh thần “mục tiêu kép” bảo đảm phòng, chống dịch đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi, đi lại, thương mại - đầu tư qua biên giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mong muốn G20 phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước thúc đẩy hình thành Bộ quy tắc/Lộ trình về hợp tác quản lý biên giới và tạo thuận lợi cho đi lại quốc tế; tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, bảo đảm an toàn y tế tại cửa khẩu, ứng dụng công nghệ trong phát hiện và truy vết các ca nhiễm; hợp tác nghiên cứu, bảo đảm tiếp cận vắc xin công bằng, với chi phí phù hợp; nâng cao năng lực chuẩn bị, khả năng thích ứng cho các cuộc khủng hoảng an ninh phi truyền thống có thể xảy ra trong tương lai…

Việt Nam được mời tham dự các hội nghị của G20 trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt trực tuyến G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế, thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.

Theo: baotintuc.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày