Thứ 7, 23/11/2024, 14:35[GMT+7]

Đồng hành cùng người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Thứ 6, 04/09/2020 | 08:18:13
4,739 lượt xem
Sau hơn 4 tháng triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 200.000 người đã được hỗ trợ kinh phí. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Thái Bình cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm tại các doanh nghiệp sẽ được tổ chức công đoàn hỗ trợ một phần kinh phí.

Kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo từ các sở, ngành, địa phương, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của 136 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do lượng hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Trước khó khăn trên, các doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng khoảng 30.000 lao động. Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, ngày 9/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân ổn định cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bảo đảm đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ. Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân tại các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 31/7 toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 207.355 người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ thuộc 5 nhóm hỗ trợ (NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội) với tổng kinh phí trên 268 tỷ đồng.

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Thái Bình cũng kịp thời ban hành các văn bản để hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 11/7/2020, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14 về quy định hỗ trợ một số đối tượng phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào nhóm hỗ trợ là giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục. 

Qua số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có trên 3.600 trường hợp là giáo viên, nhân viên, NLĐ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đang làm việc, có tên trong danh sách quản lý của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm ngày 31/1/2020 (trước thời điểm tạm thời nghỉ việc), phải tạm thời nghỉ việc không hưởng lương theo chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng chưa được nhận khoản hỗ trợ nào của Nhà nước. Được biết, những trường hợp nêu trên đều bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo Nghị quyết số 14, số giáo viên, nhân viên, NLĐ nếu đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,8 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ sẽ lấy từ nguồn ngân sách tỉnh. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã lập hồ sơ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt để sớm được hỗ trợ kinh phí.

Trước đó, ngày 22/5/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 643 về việc chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đoàn viên, NLĐ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành, có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 sẽ được hỗ trợ một lần với mức 500.000 đồng/người. Bên cạnh đó, đoàn viên, NLĐ đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; NLĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị; đoàn viên là người khuyết tật, người bị tai nạn lao động chưa được hưởng trợ cấp...) cũng được hỗ trợ mức 500.000 đồng/người. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ từ nguồn tài chính tích lũy của Liên đoàn Lao động tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu các công đoàn cơ sở tổ chức rà soát, lập danh sách đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua rà soát, tổng hợp, đến nay toàn tỉnh có khoảng 2.000 đoàn viên, NLĐ có nhu cầu hỗ trợ kinh phí. Liên đoàn Lao động tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đoàn viên, NLĐ sớm được hưởng hỗ trợ, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng.

Hiện tại, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bởi vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Đại dịch đã và đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống NLĐ. Vì vậy, việc hỗ trợ kinh phí kịp thời thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Đây cũng là động lực để mỗi người dân nỗ lực vượt khó, sớm ổn định cuộc sống.

Nguyễn Cường