Thứ 7, 04/05/2024, 15:24[GMT+7]

Thanh niên Thái Thụy: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ 6, 04/09/2020 | 08:25:04
5,474 lượt xem
Với cách làm sáng tạo, những năm qua, phong trào thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng đã lan tỏa rộng khắp ở Thái Thụy.

Chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gà chọi bước đầu đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho anh Nguyễn Văn Phước (áo trắng).

Anh Nguyễn Văn Phước, thôn Khúc Mai là một trong những thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của xã Thụy Thanh. Với 10 mẫu đất chuyển đổi, gia đình anh xây dựng mô hình VAC, trồng cây lâu năm như dừa, na, mít, chăn nuôi lợn, trâu, gà và thả cá. Xung quanh các ao cá được trồng dừa nên khu chuyển đổi của gia đình anh như miệt vườn Bến Tre. 

Anh Phước cho biết: Gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn nhưng do bệnh dịch tả lợn châu Phi nên từ năm 2019 tôi chuyển sang nuôi gà chọi. Thu nhập từ nuôi gà chọi cao gấp 3 lần gà thịt. Đây là hướng đi mới nhằm hạn chế rủi ro trong phát triển kinh tế của gia đình. Các cây ăn quả lâu năm cũng bắt đầu cho thu hoạch, tôi cũng có hướng tăng số lượng gà chọi nuôi, nếu có thể sẽ đầu tư làm du lịch sinh thái.

Từ bỏ mức lương cao, công việc ổn định, anh Nguyễn Quốc Luật, thôn An Ninh, xã Thụy Bình về quê nuôi chim bồ câu, “bỏ túi” hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh Luật cho biết: Đầu năm 2018, tôi quyết định đầu tư chuồng trại, lắp đặt hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát, mua hơn 100 cặp chim bồ câu Pháp dòng bố mẹ về nuôi. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường từ 300 - 350 đôi chim bồ câu thịt thương phẩm và hơn 200 đôi chim bồ câu giống. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng thu lãi hơn 15 triệu đồng. Dù nuôi lứa chim bồ câu Pháp đầu tiên với quy mô lớn nhưng anh Luật đã thành công. Anh Luật cũng là thành viên Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế huyện Thái Thụy. Theo anh, tham gia Câu lạc bộ anh em có thêm nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu, giúp nhau phát triển kinh tế và cùng tham gia các hoạt động xã hội.

Cùng với anh Phước, anh Luật, hàng trăm thanh niên Thái Thụy thi đua làm giàu tại ngay quê hương với nhiều mô hình, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chị Phan Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy cho biết: Đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế, những năm qua, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả: tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh, giao lưu với các gương điển hình tiêu biểu, tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... Hiện nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện do kênh đoàn thanh niên quản lý trên 41 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Đa số thanh niên được hưởng lợi từ nguồn vốn này đều có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng định kỳ. Cùng với nguồn vốn trên, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã rà soát, tổng hợp đoàn viên, thanh niên có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, được phê duyệt nhiều mô hình giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn.

Với sự đồng hành của tổ chức đoàn, hội cùng nỗ lực, sáng tạo của bản thân, nhiều đoàn viên, thanh niên ở Thái Thụy đã khắc phục khó khăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất,  làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương phát triển. Đến nay, toàn huyện có hơn 110 mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả cao.

Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp bộ đoàn, hội ở Thái Thụy tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.


Phương Chi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày