Thứ 4, 08/05/2024, 18:10[GMT+7]

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ I (tháng 12/1940)

Thứ 3, 15/09/2020 | 08:23:36
588 lượt xem
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã trải qua 19 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một dấu mốc quan trọng ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh trong dòng chảy lịch sử vinh quang và đầy tự hào của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Diện mạo nông thôn mới xã Minh Hưng, nay là xã Minh Quang, huyện Kiến Xương.

Đại hội đại biểu toàn tỉnh lần thứ I được tổ chức vào ngày 21/12/1940. Tham dự Đại hội có trên 30 đại biểu thay mặt cho khoảng 140 đảng viên thuộc 28 chi bộ (kể cả Chi bộ Trà Lũ, Xuân Trường, Nam Định và Chi bộ Thanh Nhang, Hà Cát - Giao Thủy, Nam Định được Xứ ủy giao cho Tỉnh ủy Thái Bình lãnh đạo). Đại hội họp trong 2 ngày, 3 đêm ở trại Son - thuộc làng Kênh Son, tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương (nay thuộc xã Minh Quang, huyện Kiến Xương).

Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận các nghị quyết Trung ương về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền; đồng thời đề ra nhiều biện pháp để xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng bán vũ trang; hưởng ứng, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa Bắc Son, Nam Kỳ, sẵn sàng huy động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa.

Đại hội đã bầu Ban Tỉnh ủy mới, đồng chí Đào Năng An được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh là sự kiện chính trị đặc biệt của Đảng bộ, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ và phong trào cách mạng Thái Bình.

Tháng 5/1941, đồng chí Đào Năng An được Xứ ủy điều đi công tác ở địa phương khác, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu đồng chí Nguyễn Trung Khuyến làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5/1942, đồng chí Nguyễn Trung Khuyến bị địch bắt và hy sinh trong tù, sau đó đồng chí Liên (tức Cường) được Xứ ủy điều từ Bắc Ninh về Thái Bình giữ chức quyền Bí thư Tỉnh ủy. Đến cuối năm 1942, một số đồng chí trong Tỉnh ủy sa vào tay giặc, số Tỉnh ủy viên còn lại đã lập ra Ban cán sự, do đồng chí Trần Văn Khiết (tức Lam Ngọc) làm Trưởng ban. Năm 1943, phong trào cứu quốc trong tỉnh đang trên đà phát triển với khí thế sôi nổi thì địch tiến hành khủng bố dữ dội, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị bắt, nhiều cơ sở cách mạng lần lượt bị phá vỡ, Thái Bình mất liên lạc với Xứ ủy, Ban lãnh đạo không còn.

Đầu năm 1945, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Nguyễn Chương về Thái Bình bắt mối, lúc này các đồng chí ở tù ra đã liên lạc được với nhau (gồm 7 đồng chí), đề nghị Xứ ủy công nhận là Ban Tỉnh ủy lâm thời. Thay mặt Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Chương chỉ công nhận là Ban Chấn chỉnh phong trào, với lý do là phong trào chưa ổn định vào một mối. Đến tháng 4/1945, một cuộc họp được tổ chức đã thảo luận và thống nhất thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Nguyễn Đức Tâm (tức Hậu) làm Bí thư. Tháng 10/1945, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, bảo vệ thành quả cách mạng, Ban Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh. Các đại biểu đã nhất trí bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức gồm 8 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Tâm tiếp tục làm Bí thư(1).

(còn nữa)


(1) Ghi chú: Đồng chí Nguyễn Đức Tâm giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 10/1945 đến tháng 9/1946. Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 9/1946 đến tháng 4/1947. Đồng chí Nguyễn Kha giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ tháng 5 đến tháng 6/1947.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày