Thứ 6, 03/01/2025, 03:44[GMT+7]

Đến năm 2030, chuyển đổi trên 26.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao

Thứ 6, 18/09/2020 | 18:36:59
7,663 lượt xem
Chiều ngày 18/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai: Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác phải tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cấy lúa là một giải pháp quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đề án chỉ ra mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh chuyển 9.000ha đất sản xuất lúa sang trồng cây ăn quả, giai đoạn 2026 – 2030, chuyển đổi thêm 5.000ha, nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh lên 19.780ha; diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng cây hàng năm đến năm 2025 được 7.273ha, giai đoạn 2026 – 2030 tiếp tục chuyển đổi 5.000ha, đưa đất chuyên màu trồng cây hàng năm đạt 20.368ha. Giá trị sản xuất trên 01ha sau chuyển đổi đạt từ 300 – 800 triệu đồng/năm. Dự kiến hiệu quả thực hiện đề án: tạo vùng sản xuất cây ăn quả, rau, cây dược liệu và hoa, cây cảnh chuyên canh có giá trị kinh tế cao gấp 5 – 6 lần so với cấy lúa, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tỉnh và chế biến, xuất khẩu; khôi phục và bảo vệ cây ăn quả truyền thống của Thái Bình; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong nông nghiệp.

Về kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020, trên quan điểm xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành, vụ đông năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 36.900ha trở lên, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm như: ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột, khoai tây... Để sản xuất vụ đông đạt mục tiêu, kế hoạch cần tập trung vào các giải pháp về cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật, cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân sản xuất cây vụ đông. Ngành Nông nghiệp định hướng đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến; tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về thuận lợi, khó khăn, lộ trình triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất và sản xuất vụ đông.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh khẳng định: Giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo bước chuyển trong phát triển nông nghiệp. 

Để thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng về chuyển đổi đất lúa; nội dung, kế hoạch chuyển đổi đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền phải có sự đồng bộ, nhất quán từ tỉnh, huyện, các ngành, trong đó tập trung tuyên truyền về các mô hình, cơ chế, chính sách về chuyển đổi đất lúa, kỹ thuật sản xuất giống, trồng cây ăn quả, cây rau màu đến các địa phương và nông dân. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả bảo đảm đúng quy định, phù hợp với lập địa từng vùng. Tăng cường công tác quản lý, giám sát và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quản lý việc chuyển đổi đất lúa ở các địa phương bảo đảm không để lấn chiếm, sử dụng sai mục đích việc chuyển đổi. Các huyện, thành phố xây dựng từ 1 – 2 mô hình điểm về chuyển đổi đất lúa làm cơ sở nhân rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương thực hiện chuyển đổi thành công; khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi; tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.

Đối với kế hoạch sản xuất vụ đông, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực phụ trách UBND tỉnh đề nghị Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh ban hành chỉ thị về sản xuất vụ đông. Các địa phương tranh thủ lịch thời vụ, điều kiện thời tiết, trình độ thâm canh phấn đấu đạt diện tích vụ đông theo kế hoạch đề ra; trước mắt tập trung chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh hại cuối vụ, chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Trên cơ sở chính sách chung, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan chú trọng tìm kiếm thị trường, mở rộng liên kết, bao tiêu nông sản.

Lưu Ngần