Chủ nhật, 19/05/2024, 06:14[GMT+7]

Đông Hưng tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới

Thứ 4, 23/09/2020 | 08:28:28
845 lượt xem
“Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đông Hưng tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương hoàn thành mục tiêu trên, huyện quyết tâm thực hiện hiệu quả 3 đột phá về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị” - đồng chí Trần Quang Triển, Bí thư Huyện ủy Đông Hưng cho biết.

Thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Đông Hưng ngày càng phát triển.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đông Hưng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 10,92%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,4 triệu đồng, gấp 1,86 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,35%. Đông Hưng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, cấp huyện và đạt kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới, Đông Hưng tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 3 đột phá phát triển là: Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án có kỹ thuật, công nghệ cao và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế của vị trí trung tâm để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tận dụng thế mạnh là huyện có nhiều cụm công nghiệp (CCN) nhất tỉnh, Đông Hưng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư lấp đầy 9 CCN đã được quy hoạch. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần C.F Toàn cầu Thái Bình (CCN Đông La) cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc tự động hiện đại, giảm được 50 - 70% lao động tay chân. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa năng suất lao động,  Công ty sẽ tiếp tục đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu sản xuất.

Để đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân 5 năm 2020 - 2025 là 14,38%/năm, Đông Hưng đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu CCN Phong Châu, mở rộng CCN Đông Phong; phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề và khu vực nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các làng nghề truyền thống như sản xuất bánh cáy, dũa, cưa, chế biến gỗ...

Tiếp giáp với các huyện, thành phố của tỉnh, có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua, Đông Hưng xác định thời gian tới sẽ tập trung khai thác hiệu quả lợi thế này để xây dựng thị trấn Đông Hưng thành đô thị loại IV, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển thương mại, dịch vụ. Vì vậy, huyện đã lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đông Hưng, quy hoạch các khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích; quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ tại các xã vùng phụ cận, khu vực tuyến tránh quốc lộ 10; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, xây dựng các chợ đầu mối, chợ nông thôn, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm - phân phối. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, đa dạng các hình thức đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Bân cạnh đó, Đông Hưng tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và bền vững là yếu tố bảo đảm thu nhập chủ yếu của người nông dân, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ và hướng đến sản xuất hàng hóa. Đến nay, huyện đã xây dựng và duy trì sản xuất hiệu quả 31 cánh đồng lớn, 6 cánh đồng 4 vụ/năm; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, vùng sản xuất sản phẩm đặc thù như: cây cảnh ở các xã Hồng Việt, Minh Tân, Phú Lương, hồng xiêm ở Lô Giang, mít dai vàng ở Hà Giang...; 67 trang trại và hàng nghìn gia trại có thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm. Huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết, xây dựng một số trang trại quy mô lớn. Trên địa bàn huyện đã có những mô hình tích tụ đất đai phát triển chăn nuôi hiệu quả. Anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan (Đông Hưng) cho biết: Từ năm 2016, tôi mạnh dạn tích tụ 8ha đất cấy lúa kém hiệu quả và bãi rác thải của xã đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ nuôi trên 150 con trâu, bò, dê, ngựa. Tôi đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để giảm ô nhiễm môi trường. Mỗi năm trang trại cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng. Hiện tôi đang xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại để mở rộng mô hình chăn nuôi.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương anh hùng, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hưng tiếp tục đoàn kết, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày