Thứ 6, 27/12/2024, 07:25[GMT+7]

Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử

Thứ 7, 10/10/2020 | 10:21:03
9,559 lượt xem
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã trải qua 19 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một dấu mốc quan trọng ghi lại chặng đường vẻ vang của Đảng bộ tỉnh trong dòng chảy lịch sử vinh quang và đầy tự hào của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ý nghĩa đó, từ ngày 5 - 15/10, tại Bảo tàng tỉnh diễn ra trưng bày chuyên đề “Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử”.

Trưng bày chuyên đề “Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử” diễn ra tại Bảo tàng tỉnh.

Qua những ngày đầu mở cửa, trưng bày chuyên đề đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong tỉnh. Tại đây, với hơn 500 tư liệu hiện vật, hình ảnh được chọn lọc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học... được trưng bày, mỗi người dân có thêm hiểu biết về: Lịch sử hình thành đất đai và dân cư Thái Bình; Phong trào cách mạng ở Thái Bình cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và cuộc vận động thành lập Đảng từ năm 1925 đến năm 1929; Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử; Chân dung các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình từ năm 1929 đến nay. Trong đó, biên niên sự kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ năm 1929 – 2020, thông qua 4 giai đoạn: thời kỳ 1929 - 1945, thời kỳ 1945 - 1954, thời kỳ 1954 - 1975, thời kỳ 1975 - nay đã khái quát có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ Thái Bình. 

Nhờ những tư liệu hiện vật, hình ảnh cùng bảng trích dẫn Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh ở từng nhiệm kỳ, mỗi người xem hiểu hơn về quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thái Bình cùng những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hơn 500 tư liệu hiện vật, hình ảnh được chọn lọc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học... được trưng bày.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta thắng lợi, non sông được thu về một mối, cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng bước vào một giai đoạn mới: xây dựng CNXH. Khó khăn lớn nhất lúc này là những cơ sở hạ tầng chủ yếu như nhà máy, cầu cống, đường sá giao thông, các bệnh viện, trường học lớn đều đã bị bom Mỹ phá hủy. Vì vậy, sau chiến tranh, sản xuất sút kém. Lãnh đạo công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn này là Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa IX, X, XI và XII. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 1977 – 1979 xác định tiếp tục quán triệt và thực hiện phương châm hành động “Từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên” và 4 hướng cơ bản mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra nhằm xây dựng Thái Bình thành tỉnh có “cơ cấu nông nghiệp phát triển, có nền văn hóa và đời sống tốt đẹp, có con người mới XHCN”. Trong 10 năm, từ 1975 – 1986, hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh hướng vào các vấn đề cơ bản: Khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của chính quyền, xây dựng và củng cố các đoàn thể quần chúng; khắc phục khó khăn, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trong tỉnh chuyển dần sang cơ chế mới, thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước.

Đây là nguồn tư liệu quý giá để mỗi người xem hiểu hơn về quá trình ra đời, phát triển và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thái Bình. 

Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức những triển lãm trưng bày chuyên đề qua đó giúp mỗi người dân có cái nhìn khái quát, trung thực, sinh động và có hệ thống về lịch sử và sự phát triển của đất nước, của tỉnh qua các thời kỳ. 

Chị Bùi Thị Thanh Mai, cán bộ Phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Để chuẩn bị cho mỗi cuộc trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Thái Bình đã dày công nghiên cứu cũng như sưu tầm từ rất nhiều năm, tìm tất cả từ các nguồn tư liệu từ trung ương tới địa phương, để từ đó sưu tầm những tài liệu, hiện vật quý giá. Đội ngũ cán bộ Bảo tàng mong muốn hiệu ứng của cuộc trưng bày sẽ được lan rộng tới đông đảo bà con nhân dân Thái Bình và tạo cho mọi người niềm khích lệ, thêm yêu quê hương đất nước, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, hăng say lao động sản xuất.

Trong thời điểm cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đang hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trưng bày chuyên đề “Đảng bộ và nhân dân Thái Bình - những mốc son lịch sử” là một điểm đến ý nghĩa, để mỗi người con sinh ra từ quê hương Thái Bình, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, thêm tự hào về thế hệ ông cha đi trước đã sống và chiến đấu kiên cường, bất khuất làm nên thành quả hôm nay. Từ đó mỗi người đều thấy được trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện, phấn đấu trong học tập, lao động để góp phần giữ gìn và phát huy thành quả đạt được, xây dựng Thái Bình ngày càng phát triển.

Tú Anh