Thứ 6, 22/11/2024, 05:53[GMT+7]

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 4, 14/10/2020 | 06:58:48
7,153 lượt xem
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Xác định vai trò và tầm quan trọng đó, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình tham gia cuộc thi về khoa học công nghệ toàn quốc.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Những năm qua, Thái Bình đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Kế hoạch hành động số 31-KH/TU, ngày 5/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gần đây nhất, ngày 10/7/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những chủ trương, chính sách này đã được triển khai hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt 821 nguồn quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2016 - 2021 và 984 nguồn quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 392.357 lượt cán bộ, đảng viên; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, hiệp y bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 448 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở và cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, Khu kinh tế, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; thu hút nguồn lực xã hội hóa, phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh... cũng góp phần tạo đột phá, mở ra cơ hội giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Từ chỗ chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi nhỏ lẻ, việc triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) ở nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận nhiều nghề: vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, đan lát, may mặc, điện dân dụng... Tuy không phải là những nghề mới nhưng với việc được học nghề miễn phí, các đối tượng là lao động nông thôn, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhiều lựa chọn để thay đổi cuộc sống. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến năm 2019, triển khai Đề án 1956, số lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp được hỗ trợ học nghề là 11.274 người, số lao động có việc làm sau đào tạo là 9.637 người, đạt 85,5%.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh ngày càng khẳng định được vị thế là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp uy tín, chất lượng trong cả nước. Đặc biệt, 5 năm qua, Trường đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học và quản lý học viên. Đồng chí Nguyễn Đức Luận, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2019, nhà trường đã triển khai 3 chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính và trung cấp luật cho 6.177 cán bộ, công chức, viên chức; triển khai 9 chương trình bồi dưỡng cho 5.355 cán bộ các cấp. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng giúp học viên vận dụng tốt kiến thức đã học vào công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, tỉnh ta đặc biệt chú trọng, quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến nay có 99,95% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và 100% giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn. Đây là những con số đáng mừng, báo hiệu nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục ngày càng được đầu tư về chất và lượng, là cơ sở để đào tạo những thế hệ nhân lực “vàng” trong tương lai. Trường THPT Chuyên Thái Bình được coi là cái nôi đào tạo giáo dục mũi nhọn của tỉnh. Hàng năm nhà trường có trên 40 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây cũng là giai đoạn mà nhà trường có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc tế. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: Nhà trường rất tự hào vì những năm qua các thế hệ học sinh của Trường đã liên tục đạt được nhiều thành tích cao tại những cuộc thi, kỳ thi các môn văn hóa mang tầm khu vực, quốc tế. Từ đó, nhiều học sinh đã thành tài, trở về tỉnh công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện nay công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động. Để tiếp tục có những bứt phá về nguồn nhân lực, nhiều giải pháp quan trọng đang được tỉnh chú trọng xây dựng, thực hiện trong thời gian tới. Đó là tiếp tục chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm mạnh tỷ trọng lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản để chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả lao động trong nông nghiệp. Tập trung gia tăng về số lượng, chất lượng và tỷ lệ lao động được đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất tại Khu kinh tế Thái Bình và các lĩnh vực ưu tiên phát triển như: khai thác khí thiên nhiên, sản xuất và phân phối điện; đóng mới, sửa chữa tàu thủy; cơ khí chế tạo sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông sản thực phẩm...

Với tinh thần chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tiếp tục có những bứt phá trong những năm tới, tạo đà xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Đặng Anh