Chủ nhật, 05/05/2024, 15:09[GMT+7]

Ý kiến tâm huyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 5, 15/10/2020 | 18:49:49
1,323 lượt xem
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đại biểu đã tham luận đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng của tỉnh. Báo Thái Bình điện tử lược đăng một số tham luận tại Đại hội.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội

Đồng chí Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

5 năm qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã đổi mới nội dung phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng rõ hơn về cơ chế và phương thức thực hiện; nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội được triển khai có kết quả bước đầu tích cực. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì triển khai 5.299 cuộc giám sát; MTTQ cấp xã, phường, thị trấn thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 4.845 cuộc giám sát.

Cũng trong 5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chủ trì 6 nội dung phản biện xã hội. Ở cấp huyện, cấp xã, nhiệm vụ phản biện xã hội từng bước được triển khai. Kết quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã trở thành một kênh quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQvà các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố sự đồng thuận xã hội, Uỷ ban MTTQ tỉnh xin kiến nghị một số giải pháp như: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Căn cứ tình hình thực tế đặt ra yêu cầu với MTTQ và các đoàn thể phản biện xã hội đối với các chủ trương quan trọng của cấp ủy trước khi quyết định. Đồng thời bám sát vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm để chủ động lựa chọn những nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó cần rõ nội dung, đối tượng giám sát, tổ chức đoàn giám sát có cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò của các chuyên gia, hội đồng tư vấn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban tư vấn, tổ tư vấn và ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật ở địa phương. Động viên nhân dân giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp, đa dạng các hình thức giám sát, phản biện xã hội; cần huy động đội ngũ các chuyên gia, người có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực tham gia vào quá trình giám sát, phản biện xã hội. Sau giám sát và phản biện xã hội cần theo dõi, đôn đốc, chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát.

Các giải pháp đột phá đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5 năm qua, vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất lợi của giá cả thị trường, nông nghiệp Thái Bình vẫn có bước tăng trưởng khá, bình quân tăng trưởng 2,5%/năm; năng suất lúa ổn định trên 132 tạ/ha/năm, cao nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng; sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm; mở rộng diện tích cây vụ đông thành vụ chính trong năm, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,4 lần; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2020 đạt 160,65 triệu đồng, tăng 1,31 lần so với năm 2015; chăn nuôi đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa với trên 7.200  gia trại và 687 trang trại; thủy sản phát triển toàn diện cả khai thác và nuôi trồng với tổng sản lượng 257 nghìn tấn, tăng 40% so với năm 2015. Xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả toàn diện, đến nay 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thái Bình là một trong ba tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.  

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững, trước hết phải tái cơ cấu sản phẩm, trên cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để sản xuất, phải tăng được quy mô sản xuất đủ lớn để có khối lượng sản phẩm lớn chi phối thị trường, phải làm cho sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp và giá bán cao; có như vậy mới đạt được hiệu quả sản xuất cao, tăng thu nhập và lợi nhuận cho nông dân, nông nghiệp mới phát triển bền vững. Để đạt được yêu cầu trên, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Nông nghiệp xin đề xuất thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung chỉ đạo quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phù hợp với khả năng, nguồn lực đầu tư và phương thức sản xuất của các chủ thể tham gia sản xuất. Căn cứ vào đặc điểm nông hóa thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện lập địa để quy hoạch bố trí sản phẩm mũi nhọn, phù hợp với các vùng sinh thái; trong 5 năm tới cần tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có tính mới, tính đột phá, sáng tạo cao.

Hai là, tập trung công tác tuyên truyền vận động để các cấp, các ngành và nhất là người dân hiểu được việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tích tụ, tập trung ruộng đất, tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững là tất yếu khách quan trong tình hình mới; để từ đó người dân và các cấp, các ngành đổi mới tư duy sản xuất, từ bỏ thói quen, tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, thụ động; dám nghĩ, dám làm với quy mô lớn và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Ba là, ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, làm cho khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là nhân tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ ở nông thôn.

Năm là, quan tâm chỉ đạo và có chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư kết cấu hạ tầng và giải quyết các điều kiện thiết yếu cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, là nhân tố quan trọng đảm bảo và thúc đẩy tiến trình xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững.

Thu Thuỷ - Phương Chi