Thứ 3, 21/05/2024, 16:59[GMT+7]

Bảo đảm an sinh xã hội: Nền tảng phát triển bền vững

Thứ 6, 16/10/2020 | 09:54:51
4,299 lượt xem
Những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, Thái Bình luôn chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ về an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hộ nghèo xã Quang Trung (Kiến Xương) được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù nguồn lực còn hạn hẹp song tỉnh ta đã xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Hệ thống các chính sách an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Cùng với nguồn lực không ngừng tăng lên và những nỗ lực trong tổ chức thực hiện, công tác an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều phương diện như: hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về hỗ trợ cho vay ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm... Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có 8.097 hộ nghèo, 6.315 hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 566 tỷ đồng; trên 133.400 hộ nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; 428 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 11.984 triệu đồng... Đến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,06%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách trợ giúp xã hội không ngừng được mở rộng, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Hiện tại, tỉnh đang quản lý và thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho trên 110.000 đối tượng bảo trợ xã hội; quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc gần 500 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc tỉnh. Hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú và được triển khai đồng bộ với nhiều loại hình. Đặc biệt, đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi và một số đối tượng chính sách, người nghèo.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội, do đó tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực: hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Nhờ đó, trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 166.540 lao động (bình quân 33.310 lao động/năm, đạt 101% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 44,5% (năm 2016) lên 56,5% năm 2020.

Không chỉ tập trung xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, tỉnh cũng không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi thường xuyên đối với 72.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng; thường xuyên quan tâm chăm lo đầy đủ, chu đáo vào những ngày lễ, tết và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở cho 17.114 hộ người có công với tổng kinh phí 588.540 triệu đồng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng góp phần nâng tỷ lệ hộ người có công có mức sống từ trung bình trở lên đạt 98,86%. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của trung ương, của tỉnh đối với người cao tuổi; duy trì thường xuyên và thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng, động viên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn; tổ chức chăm sóc và bảo vệ trẻ em, quan tâm chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc vận động, huy động kinh phí để phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ em bị dị tật bẩm sinh.

Thân nhân người có công xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở.

Hệ thống các dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại... đã được quan tâm phát triển, nhất là ưu tiên đầu tư cho địa phương còn nhiều khó khăn. Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn có trạm y tế đạt chuẩn; hệ thống giao thông nông thôn đã hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ được sử dụng nước sạch... Bên cạnh đó, các phong trào “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” do MTTQ tỉnh các cấp, các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân chủ động thực hiện và hưởng ứng tham gia đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2015 đến tháng 9/2020, quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân ủng hộ trên 83 tỷ đồng, giúp nhiều hộ nghèo, người nghèo có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế; xây mới, sửa chữa nhà ở...

Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác bảo đảm an sinh xã hội đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần bảo đảm ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.


Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày