Thứ 2, 06/05/2024, 07:41[GMT+7]

“Làm đẹp” cho quất phục vụ tết Nguyên đán

Thứ 2, 07/12/2020 | 09:19:56
13,111 lượt xem
Còn hơn 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu, thời điểm này, các nhà vườn trồng quất cảnh ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) lại hối hả bắt tay vào gò thế, tạo dáng “làm đẹp” cho cây để cung cấp ra thị trường.

Từ lâu, nghề trồng quất cảnh đã gắn bó với nông dân xã Đông Hòa, tạo nên thương hiệu cho địa phương. Với diện tích trên 60ha, cây quất cảnh trở thành loại cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, đồng thời đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp. Tết Canh Tý 2020, tổng thu nhập từ trồng quất toàn xã đạt trên 30 tỷ đồng; trung bình mỗi vườn quất cho doanh thu từ 100 - 150 triệu đồng, nhiều hộ đạt 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề trồng quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc nên người trồng phải tâm huyết thì mới có được cây quất đẹp. Dù phần lớn diện tích cây cảnh của địa phương đang trong giai đoạn gò khung nhưng thương lái từ khắp các nơi đã rục rịch tìm về để tham khảo giá, chất lượng của cây và đặt mua.

Những ngày này, trên các cánh đồng, nông dân đang hối hả, khẩn trương trong từng công đoạn nhằm tạo ra những cây quất có dáng, thế đẹp, độc đáo, phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán sắp tới. Các dáng cây truyền thống được các nhà vườn ưu tiên tỉa cành, tạo dáng như: dáng quất thế, quất dáng hình tháp; đặc biệt một số ít nhà vườn tỉ mỉ hơn khi trồng quất trong chum, tạo dáng bonsai.

Tay thoăn thoắt níu từng cành quất bằng những đoạn dây thép nhỏ, anh Dương Văn Vịnh, thôn Nghĩa Phương cho biết: Nghề trồng quất cảnh vất vả quanh năm, nhất là vào giai đoạn “nước rút” tạo dáng, cắt tỉa để cho cây có thế đẹp, quả phân bố đều khắp. Thông thường, đầu tháng 10 âm lịch, khi quả trên cây đã phát triển ổn định thì tôi bắt đầu gò thế. Để cây quất có dáng thế, mẫu mã chín đẹp đúng vào dịp tết thì giai đoạn gò cây là thời điểm quan trọng nhất, có tính chất quyết định cho chất lượng quả, thế cây sau này. Vì vậy, ngoài vun, xới, tưới nước thường xuyên, thời điểm này nông dân đang tập trung gò, uốn tạo thế cho cây. Sau công đoạn này, các nhà vườn sẽ dựa vào thời tiết để tiếp tục chăm bón.

Nông dân xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) chăm sóc quất chuẩn bị phục vụ thị trường tết.

Ông Nguyễn Xuân Kiều, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Hòa cho biết: Xu hướng vài năm trở lại đây của nhiều gia đình chuyển sang chơi cây quất thế, dáng cây nhỏ phù hợp với không gian hẹp của đô thị, chỉ có các cơ quan, xí nghiệp mới chơi những cây quất to, do đó để đáp ứng nhu cầu của thị trường người dân Đông Hòa cũng chuyển đổi trồng quất theo hướng cầu kỳ, nghệ thuật hơn. Không chỉ đầu tư, chăm sóc diện tích quất tháp (quất lùm), quất thế... mà còn mở rộng những diện tích vườn trồng quất cảnh bonsai đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Gia đình anh Hà Văn Đoàn, thôn Nghĩa Phương là một trong những hộ tiên phong chuyển từ trồng quất lùm sang quất cảnh bonsai. Theo anh Đoàn, trồng quất trên chậu hoặc chum, bình khó hơn nhiều so với trồng dưới đất bởi dinh dưỡng của cây chỉ tập trung ở trong chậu, chum. Tuy nhiên, giá bán những loại cây cảnh này cao hơn gấp 2 - 3 lần so với những cây quất thông thường và được khách hàng rất ưa chuộng.

Theo nhiều chủ vườn, đợt mưa lớn đầu tháng 10 tuy có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, nhưng tới nay cây quất vẫn phát triển hoàn toàn theo đúng chu kỳ. Dù chăm sóc vất vả, phải đầu tư nhiều thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường song với người dân Đông Hòa thì trồng quất vẫn là nghề mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với cấy lúa và trồng các loại rau màu khác.

Ngân Huyền