Thứ 2, 25/11/2024, 08:42[GMT+7]

Hãy hành động để giảm nỗi đau tai nạn giao thông

Thứ 4, 16/12/2020 | 14:49:48
1,854 lượt xem
Mỗi ngày trôi qua lại có những người mãi mãi ra đi hay bị tàn tật do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Những cảnh tượng cha khóc con, chồng khóc vợ, người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm chúng ta nhói lòng. Cứ thế, nỗi đau mang tên TNGT âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh, gánh nặng của biết bao gia đình nạn nhân và cho cả xã hội

Đoàn công tác Ban An toàn giao thông tỉnh thăm, động viên gia đình có người thân bị tai nạn giao thông tại xã An Dục (Quỳnh Phụ).

Những nỗi đau tai nạn giao thông

Đã 8 tháng trôi qua nhưng nỗi đau vẫn bao trùm gia đình anh Vũ Đình Đạo, sinh năm 1995, tại thôn Việt Thắng, xã An Dục (Quỳnh Phụ). Vào cuối tháng 3 năm nay, vợ anh là chị Phạm Thi Phương, sinh năm 1999 đã mãi mãi ra đi vì TNGT khi mới 21 tuổi. Ngày ngày anh Đạo vẫn kìm nén nỗi đau, tự động viên bản thân để vượt qua khó khăn, cố gắng nuôi đứa con nhỏ mới hơn 1 năm tuổi. 

Anh Đạo chia sẻ: Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn 2 năm nay. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có vợ có chồng, cùng nhau làm ăn, nuôi con, sống vui vẻ, hạnh phúc. Từ ngày vợ tôi mất, căn nhà trống vắng. Khổ nhất là đứa con trai của tôi mất mẹ khi mới được 7 tháng tuổi. Khi vợ tôi mất, cháu không còn sữa mẹ để bú mà phải uống sữa ngoài nên hay ốm và quấy khóc đòi mẹ. Lúc đó tôi cảm thấy càng nhớ vợ và rất thương con.

Cùng đoàn công tác của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đến thăm các gia đình nạn nhân TNGT vừa qua, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh, khó khăn do TNGT gây ra. Không chỉ gây ra hậu quả cho nạn nhân mà TNGT còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc. 

Cụ thể như hoàn cảnh của gia đình em Trần Văn Nam, thôn Ngừ, xã Liên Hiệp (Hưng Hà). Gia đình Nam là hộ cận nghèo của xã. Năm 2019, bố em mắc bệnh hiểm nghèo và mất sau một thời gian điều trị. Nỗi đau mất bố chưa nguôi thì đến tháng 6/2020, mẹ Nam là bà Lê Thị Thủy, sinh năm 1969 lại không may gặp tai nạn trên quốc lộ 39, đoạn qua địa phận xã Liên Hiệp và tử vong ngay sau đó. Chỉ trong một thời gian ngắn mất cả cha lẫn mẹ đó là một cú sốc, nỗi đau quá lớn đối với Nam. Đứng trước di ảnh của bố mẹ, Nam nghẹn ngào chia sẻ: Bố mẹ ra đi quá đột ngột khiến cuộc sống của em gặp vô vàn khó khăn. Trước đây, em đang theo học nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội. Nhưng từ khi mẹ mất không còn ai chu cấp tiền nên em phải bỏ dở việc học tập. Giờ đây em chỉ biết cố gắng để vượt qua nỗi đau này rồi tiếp tục cuộc sống cũng như việc học tập của mình.

Hãy hành động để giảm nỗi đau

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 11 tháng năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 60 vụ TNGT, làm chết 52 người, bị thương 28 người. 52 người chết đồng nghĩa với từng ấy gia đình lâm vào cảnh khó khăn, mất người thân mà không gì có thể bù đắp được. Những năm qua, các cấp, ban, ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT, đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm góp phần xoa dịu những nỗi đau giao thông. 

Theo ông Lê Phương Huy, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Hàng năm, Ban ATGT tỉnh thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức thăm, tặng quà các gia đình có người thân bị TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm chia sẻ nỗi đau với các gia đình. Trong đó, mới đây đã tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 11 gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc động viên, thăm hỏi chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân nghiêm chỉnh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT nhưng trước hết là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn thấp. Vì vậy, để giảm thiểu TNGT bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT thì mỗi người dân, khi tham gia giao thông cần nêu cao ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự ATGT để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trần Tuấn