Thứ 3, 19/03/2024, 11:47[GMT+7]

Về nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh đầu tiên

Thứ 2, 28/12/2020 | 08:27:39
947 lượt xem
Ngày 31/12/1940, tại từ đường họ Trần, thuộc làng Kênh Son, nay là thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Quang (Kiến Xương) đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ nhất. Dù 80 năm đã trôi qua song sự kiện này vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Từ đường họ Trần - nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ nhất.

Là người trông coi từ đường họ Trần, ông Trần Xuân Tiêu cho biết: Mặc dù tôi không được chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng ấy, song theo các cụ kể lại và sử sách ghi chép thì sự kiện đã đánh dấu Minh Quang là địa phương được chọn là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần đầu tiên và cũng là duy nhất của Đảng bộ tỉnh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Đại hội ngày đó vinh dự được đón đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay mặt Trung ương về dự họp trong 2 ngày 3 đêm nhằm kiểm điểm và bổ khuyết phong trào toàn tỉnh vững mạnh, bầu Ban Tỉnh ủy chính thức. Đại hội được tiến hành rất khẩn trương và nghiêm túc với 35 đại biểu về dự. Cấp trên đã giao Chi bộ Kênh Son phải chịu trách nhiệm bảo vệ Đại hội thật chu đáo, phục vụ về sinh hoạt ăn ở cho các đại biểu. Do đó, Chi bộ Kênh Son đã phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đảng viên và quần chúng trung kiên để bố trí trạm liên lạc, đón đại biểu đến dự Đại hội. Các đại biểu đến nơi họp phải cải trang mặc áo tơi, cầm mai cuốc như người đi làm thuê, quang ró giả là người đi đong thóc. Chi bộ đã giao trung đội tự vệ bố trí canh gác cả ngày đêm, viễn tiêu từ xa cách nơi họp 500m để theo dõi tình hình địch, kịp thời báo động đề phòng khi họp địch ập tới. Trong khu vực tổ chức Đại hội được canh gác vòng trong, vòng ngoài, ban đêm che kín không được để lộ ánh sáng ra ngoài. Bà con ai cũng phấn khởi khi được giao nhiệm vụ phục vụ Đại hội, họ ủng hộ vật chất và cử người nấu cơm, nấu nước chè tươi tiếp tế cho đại biểu dự Đại hội. Nhờ vậy mà Đại hội đã diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp. Nhân dân làng Kênh Son đã được đồng chí Hoàng Quốc Việt và cấp trên biểu dương do đã làm tròn nhiệm vụ được giao. Không chỉ vậy, điều đặc biệt nữa ở làng Kênh Son là trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Vực là người con của làng có năng lực, trình độ, tham gia vào Tỉnh ủy năm 1937 đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, thường đóng cơ quan Tỉnh ủy ở Kênh Son. Sau này đồng chí Nguyễn Văn Vực mặc dù đã hy sinh ở Nam Bộ, song làng Kênh Son vẫn là nơi đi lại, ăn ở, công tác của nhiều cán bộ cấp trên.

Đến giờ không ít người vẫn còn đặt câu hỏi tại sao lại chọn làng Kênh Son là nơi diễn ra Đại hội. Ông Tiêu là đời thứ 8 dòng họ Trần nhớ lại lời các cụ kể là vì ngày xưa làng Kênh Son có địa hình rất thuận lợi cho hoạt động cách mạng, đường sá không có, chỉ có duy nhất con đường ở ven sông, dân cư thưa thớt, khu vực tổ chức Đại hội tương đối hẻo lánh. Hơn nữa ở khu vực này dễ bảo vệ hơn, có lực lượng bảo vệ tốt. Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1936 thì sau 4 năm được chọn làm nơi tổ chức Đại hội. Đến nay, để bảo tồn di tích này, từ đường đã được đầu tư kinh phí trùng tu 2 lần. 

Ông Trần Bá Nam, cán bộ văn hóa xã Minh Quang, Bí thư Chi bộ thôn Nguyên Kinh 1 cho biết: Làng Kênh Son là một trong những nơi có phong trào cách mạng sớm và mạnh mẽ, có nhiều thành tích xây dựng cơ sở, đấu tranh cách mạng và bảo vệ, ủng hộ cách mạng. Trong làng có nhiều gia đình đã đóng góp công sức, của cải và bảo vệ chu đáo cơ quan liên lạc, in báo, in tài liệu của Tỉnh ủy Thái Bình và Xứ ủy Bắc Kỳ. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhất của nhân dân Kênh Son. Vì thế, đến nay địa phương vẫn tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân trong xã.

Phát huy truyền thống đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang khẳng định: 5 năm qua, kinh tế - xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 320,2 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,73%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/năm. Đặc biệt, ở Minh Quang có khoảng 33% dân số là đồng bào có đạo song bà con giáo dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Minh Quang đã huy động được sức người, sức của của toàn dân để về đích trước kế hoạch đề ra. Toàn xã đã cải tạo, nâng cấp 5km đường trục xã, trên 14,6km đường trục thôn; 12,3km đường nhánh cấp I trục thôn, cứng hóa 4,13km mương dẫn nước và 18,8km đường giao thông trục chính nội đồng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhân dân xã Minh Quang nói chung, người làng Kênh Son trước đây nói riêng đều có quyền tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang đó. Người dân nơi đây mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, của huyện, nhất là trong công tác tuyên truyền để nhiều người biết hơn về sự kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ nhất.

Thu Thủy