Thứ 6, 27/12/2024, 02:33[GMT+7]

Ngành nội chính Đảng tỉnh Thái Bình: 55 năm xây dựng và phát triển

Thứ 4, 30/12/2020 | 20:35:02
1,228 lượt xem
Ngày 5/1/1966, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết thành lập Ban Pháp chế Trung ương. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành Nội chính Đảng. Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, ngành Nội chính Đảng tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi, tự hào.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc với Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ.

Trong giai đoạn cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ngành Nội chính Đảng Thái Bình đã tích cực tham gia vào phục vụ các nhiệm vụ xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự theo thời chiến; tăng cường phối hợp, tham gia chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp về an ninh, trật tự, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, ngành Nội chính Đảng Thái Bình không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước khẳng định sự trưởng thành và phát triển. Đã tích cực tham mưu cấp ủy tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc kiến thiết đất nước, đưa nước nhà đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù có thời kỳ do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn, Ban Nội chính và một số ban của Tỉnh ủy đã giải thể nhưng công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Từ năm 2013 đến nay, khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) có chủ trương tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy; Ban Bí thư Trung ương ban hành Quy định số 183-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1363-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy, đã tiếp tục đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định tầm quan trọng của công tác Nội chính Đảng và tạo những bước tiến mới trong tổ chức và hoạt động của ngành Nội chính Đảng cả nước nói chung và ngành Nội chính Đảng Thái Bình nói riêng. Tổ chức, bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy được kịp thời kiện toàn theo hướng tinh gọn; lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng. Hoạt động của Ban từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban đã chủ trì, phối hợp với các ngành trong khối nội chính và các ban, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; chủ trương, định hướng xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy; tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy tỉnh đề ra chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ có chức danh tư pháp ở các cơ quan nội chính tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành ủy thành lập và kiện toàn tổ giúp việc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở mỗi địa phương, đơn vị.

Trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nội chính và bộ phận giúp việc của các huyện, thành ủy, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác tham mưu về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy tỉnh kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ban hành các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính; đề ra được những chủ trương, định hướng xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc việc tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh; tiếp nhận, phân loại, theo dõi, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Thường trực Tỉnh ủy và Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng thời, chuyển đến các cấp, các ngành giải quyết theo thẩm quyền. Thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Chỉ đạo 1593.

Tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và chủ động làm tốt việc tham mưu xây dựng, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với các cơ quan nội chính của tỉnh trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ở địa phương, đơn vị; kịp thời tham mưu, chấn chỉnh thiếu sót, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện ở các ngành, địa phương, đơn vị. Chủ động phối hợp với các ban, ngành tham gia thực hiện tốt công tác cán bộ, nhất là trong bổ nhiệm một số chức danh tư pháp theo phân cấp quản lý. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác nội chính Đảng có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối và sự nghiệp đổi mới của Đảng, có kỷ luật nghiêm minh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải là lực lượng trung thành, tiên phong bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PHẠM THỊ LIỄU LẬP
(Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy)