Thứ 4, 26/06/2024, 07:41[GMT+7]

Duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch Covid-19

Thứ 6, 01/01/2021 | 13:52:45
8,042 lượt xem
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng dự kiến của cả nước. Có được kết quả đó là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” đó là vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo nền tảng duy trì đà tăng trưởng

Để đưa tỉnh bước qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số một tạo nền tảng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, tỉnh còn tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan; trong đó các biện pháp ứng phó được nâng cấp cao hơn mức khuyến cáo của Bộ Y tế, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp. Chính vì thế, mặc dù tỉnh phát hiện 37 ca mắc Covid-19 tại khu cách ly và cộng đồng nhưng không để nhân viên y tế lây bệnh cũng như không để lây chéo trong bệnh viện, trong khu cách ly và trong cộng đồng. Từ thắng lợi của công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự thống nhất trong hành động để giúp tỉnh duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển cho tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh thành lập 6 khu công nghiệp và 44 cụm công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và 41 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết. UBND tỉnh cũng chấp thuận cho 18 nhà đầu tư về chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho 26 khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình. Ngày 13/12, dự án đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái đã chính thức được động thổ xây dựng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây vừa là niềm vinh dự, là niềm tự hào và cũng là cơ hội lớn tạo ra tiềm năng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và cho tỉnh nói chung trong thời gian tới.

Chủ động phối hợp và kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện, từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 413 khách hàng với dư nợ được cơ cấu 545 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 1.748 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ gần 400 triệu đồng; cho vay mới hơn 4.700 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 16.200 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm mạnh so với trước khi có dịch Covid-19 từ 0,5 - 1,5%/năm, từ đó giúp khách hàng tiết kiệm chi phí lãi vay khoảng 80 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành Thuế cũng chủ động triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế nhằm giúp các doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là Nghị định số 41 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, xử lý 770 hồ sơ đề nghị gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền được gia hạn gần 350 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công với giá trị khối lượng thanh toán đến ngày 15/11 đạt 94,6% kế hoạch vốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, từ đó đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Khẳng định đường lối đúng

Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt được kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP chỉ tăng 3,23% nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước; đời sống của nhân dân cơ bản được bảo đảm, không rơi vào khủng hoảng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,31% so với năm 2019. Điều đáng nói là trong năm 2020, trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 cùng với sự bùng phát trở lại của bệnh dịch tả lợn châu Phi với 19 ổ dịch tại 19 xã của 6/8 huyện, thành phố nhưng ngành Nông nghiệp lại là ngành duy nhất trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có mức tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra với tổng giá trị sản xuất ước đạt 27.703 tỷ đồng, tăng 3,27% so với năm 2019, vượt 0,27% so với kế hoạch đề ra. Nhờ chuyển mạnh sang gieo cấy lúa chất lượng cao với diện tích chiếm khoảng 30 - 35% tổng diện tích lúa gieo cấy nên năng suất và sản lượng lúa không ngừng được tăng lên; năm 2020 đạt 131,7 tạ/ha, tương đương tổng sản lượng trên 1 triệu tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 479 cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 14.000ha chủ yếu là lúa và một số cây màu như ngô ngọt, ớt, cà rốt. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nên đã huy động được tối đa sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và người dân. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp và dần hoàn thiện đã tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Thái Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Trong sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ, để khắc phục những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất các mặt hàng cấp thiết như: khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, nước rửa tay sát khuẩn…; đồng thời, tích cực đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, ứng dụng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh mua, bán. Điều đáng mừng là trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng trong năm 2020, toàn tỉnh vẫn có 43 dự án mới được phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 2.400 tỷ đồng; 8 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 59 triệu USD; 673 doanh nghiệp và 72 chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới với số vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 đã khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, từ đó góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra cũng như tạo tiền đề tốt để bước vào thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2021 - 2025. Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào đầu tháng 12/2020, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bên cạnh những thuận lợi, cũng còn không ít khó khăn, thách thức đan xen; nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm vào cuộc của nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành mọi nhiệm vụ đã đề ra.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2020:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 53.523 tỷ đồng, tăng 3,23% so với năm 2019;
- Tổng giá trị sản xuất ước đạt 154.251 tỷ đồng, tăng trên 1,8%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 3,27%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 1,2% và khu vực thương mại, dịch vụ ước tăng 2,8%;
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,7%; công nghiệp và xây dựng chiếm 40,9% và dịch vụ chiếm 32,4%;
- Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 19.078 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 16.837 tỷ đồng, đạt 125,5% dự toán, trong đó thu nội địa ước thực hiện 7.664 tỷ đồng, đạt 110,1% dự toán;
- Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 13.474 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, trong đó chi phát triển kinh tế chiếm 43,8% tổng chi ngân sách địa phương;
- Toàn tỉnh có 7.254 doanh nghiệp, 884 chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 87.720 tỷ đồng;
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 52.511 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2019;
- Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 2,35%, giảm 0,31% so với năm 2019.

Minh Hương 

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Năm 2020, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức như: ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến bất thường, phức tạp… Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông ngư dân trong tỉnh, sự đồng hành của các cơ quan truyền thông đã tạo sự đồng thuận của cả xã hội để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh, tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 27.703 tỷ đồng, tăng 3,27% so với năm 2019, vượt 0,27% so với mục tiêu kế hoạch giao; trong đó, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt, thủy sản vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%, toàn ngành tập trung thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.
Đồng chí Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh
Ngay sau khi Khu kinh tế Thái Bình được thành lập, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ như: Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế; xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế… Đến nay có 18 nhà đầu tư đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho 26 khu chức năng. 8 nhà đầu tư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thực hiện thí điểm; có 5 khu chức năng đã được phê duyệt phân khu. Trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt, các nhà đầu tư, các cấp, các ngành đang tích cực hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định để sớm triển khai dự án trên thực địa; đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái đã được Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức động thổ.

Để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, trong thời gian tới chúng tôi tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng, phát triển Khu kinh tế nhằm tạo sự đồng thuận cao, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Xây dựng kế hoạch phát triển Khu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Khu kinh tế một cách tổng thể, bền vững. Hoàn thành quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế; đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, chú trọng thu hút các nhà đầu tư là những tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế; hoàn thành đề án an sinh xã hội đối với người dân có đất thu hồi phục vụ phát triển Khu kinh tế…

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương
Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ toàn tỉnh vẫn có những phát triển đáng ghi nhận. Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng trưởng tốt, đạt 4.013 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2019; một số ngành như sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, sản xuất Amon Nitrat tăng trưởng hai con số. Hoạt động thương mại nội địa vẫn ổn định, không tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 45.686 tỷ đồng, tăng 2,4%; doanh thu thương nghiệp đạt 40.483 tỷ đồng, tăng trên 4,3% so với năm 2019. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có sự thay đổi tư duy, ngày càng quan tâm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bước sang năm 2021, để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại, Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả một số giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2025; phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh tính chất ngành nghề các cụm công nghiệp để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của nhà đầu tư. Chúng tôi cũng xây dựng đề án đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025; đề án phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định trong các FTA. Triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển Khu kinh tế, khu công nghiệp và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, khu công nghiệp; nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, khuyến thương, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng chí Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình
Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra ở mức cao nhất. Kết thúc năm 2020, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất ước đạt 38.679 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp, xây dựng tăng 2,47%; thương mại, dịch vụ tăng 3,48%; nông nghiệp, thủy sản tăng 0,55%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 1.648,3 tỷ đồng, đạt 85,7% dự toán. Tổng thu cân đối ngân sách cấp thành phố 771,5 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán. Tổng chi cân đối ngân sách cấp thành phố ước thực hiện 703,5 tỷ đồng, đạt 106,1% dự toán.

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVIII và là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh được dự báo tiếp tục có những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức mới, thành phố sẽ tập trung xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để đưa thành phố trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Nhóm phóng viên