Thứ 2, 25/11/2024, 11:18[GMT+7]

Những nhân vật truyền cảm hứng trong giáo dục năm 2020

Thứ 2, 04/01/2021 | 09:40:24
3,231 lượt xem
Một năm đầy biến động vì dịch Covid-19 nhưng đâu đó vẫn lấp lánh những hình ảnh tốt đẹp. Họ là những người góp phần lan tỏa tình yêu thương hoặc truyền cảm hứng trong giáo dục.

Ông Lê Anh Vinh trở thành tân giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2020 ở tuổi 37.

Tiến sĩ ĐH Harvard thành tân giáo sư trẻ nhất

Ngày 27/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký quyết định công nhận 339 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ông Lê Anh Vinh trở thành tân giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2020 ở tuổi 37.

GS Vinh từng giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế và huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương năm 2001. Với học bổng toàn phần của chính phủ Australia, ông học tại ĐH New South Wales. Năm 2005, ông Vinh tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia. Năm 2010, ông nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. Năm 2013, ông là phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới tròn 30 tuổi. Tháng 11/2020, ông được bổ nhiệm phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Từ "Câu chuyện vườn chuối" đến top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu

Ngày 11/11, Varkey Foundation công bố cô Hà Ánh Phượng (29 tuổi), giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, Phú Thọ vào top 10 Giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu.

Từ câu chuyện vườn chuối truyền cảm hứng đến nhiều người, cô giáo Mường 9X, sinh sống tại một huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, chạm tay tới bên kia bán cầu.

Cô Phượng chia sẻ, danh hiệu này mang nhiều ý nghĩa, là sự ghi nhận không chỉ với cá nhân mà còn với học sinh miền núi, với nền giáo dục nước nhà. Đây cũng là nguồn năng lượng tiếp thêm cho học sinh miền núi và vùng khó khăn.

Những nhân vật truyền cảm hứng trong giáo dục năm 2020 - 2

Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, Phú Thọ vào top 10 Giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu.

Được biết, cô Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.

Trước đó, vào tháng 3, cô Hà Ánh Phượng là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.

Khi lọt top 50, cô Phượng đã được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng.

Cô giáo Phượng được biết đến trước đây với câu chuyện "từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới" gây bão mạng xã hội. Hôm đó cô đang thực hiện lớp học không biên giới trực tuyến với học sinh nước ngoài thì mất điện. Sợ phiền nên cô ngồi ở vườn chuối nhà mình để bắt nhờ wifi nhà hàng xóm dạy nốt buổi. Buổi học đó, cô trò kết nối với học sinh của 4 châu lục và thu được nhiều điều quý giá.

"Em nghĩ bản thân mình có xuất phát điểm rất thấp nhưng đã làm được. Vì thế, em tin nhiều bạn trẻ sẽ làm được, nhất là trong thời đại 4.0", cô Phượng cho hay.

Cô giáo Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô cũng sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí.

10 năm cõng bạn tới trường và câu chuyện đẹp về lòng tử tế

Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu (Thanh Hóa), đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường đã viết nên câu chuyện đẹp và lan tỏa về tình yêu thương, lòng hiếu học.

Minh sinh ra trong gia đình nghèo (ở xóm 1, xã Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hóa). Ngay từ khi lọt lòng, Minh đã không may mắn như bao đứa trẻ khác. Đôi bàn chân tật nguyền đã không thể đi lại được, cánh tay phải cũng chẳng thể cử động cầm, nắm.

Những nhân vật truyền cảm hứng trong giáo dục năm 2020 - 3

Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường đã viết nên câu chuyện đẹp và lan tỏa về tình yêu thương, lòng hiếu học.

Suốt 10 năm qua, nhờ có Hiếu mà Minh- dù đôi chân tật nguyền, vẫn đều đặn đến trường không nghỉ một buổi nào. Suốt quá trình học tập, Minh và Hiếu luôn là học sinh xuất sắc của trường. Cả hai được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, được gặp và nhận quà của Chủ tịch nước. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Minh đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Còn Hiếu đạt 28,15 điểm, đỗ vào Trường ĐH Y Thái Bình.

Tối 1/10/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình "Giao lưu và tôn vinh các điển hình tiên tiến, giai đoạn 2015-2020". Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường cũng được tôn vinh tại chương trình.

Nam sinh lớp 6 dừng xe nhặt rác thông cống

Em Phan Trọng Đạt (học sinh lớp 6/1, trường THCS Long An, Long Thành, Đồng Nai) đã được trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì hành động dừng xe, nhặt rác trên nắp cống để tránh đường bị ngập. Hành động của em được camera nhà dân ghi lại và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

Những nhân vật truyền cảm hứng trong giáo dục năm 2020 - 4

Em Phan Trọng Đạt đã được trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Sau đó, phòng giáo dục huyện, UBND xã, huyện và một số đơn vị khác đã đến trường tuyên dương và khen thưởng cho hành động ý nghĩa của Đạt. Hành động của em Đạt cũng đã góp phần lan tỏa đến toàn xã hội một thông điệp đầy tính nhân văn về việc phải giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nữ sinh đạt 3 điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT không học thêm

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Ngô Thu Hường, cựu học sinh trường THPT Vĩnh Chân (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), đạt 3 điểm 10 ở tổ hợp Khoa học Xã hội. Điểm thi các môn khác của Hường cũng cao, trong đó, Toán 8, Ngữ văn 8,25 điểm.

Những nhân vật truyền cảm hứng trong giáo dục năm 2020 - 5

Ngô Thu Hường đạt 3 điểm 10 ở tổ hợp Khoa học Xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Nữ sinh cho biết em không có phương pháp đặc biệt, không đi học thêm, chỉ học trong sách giáo khoa và nguồn tài liệu online sẵn có.

Được biết, điểm tổng kết trung bình năm lớp 12 của Hường đạt 8,2. Trong đó môn Lịch sử cao nhất là 9,0; Địa lý đạt 8,9. Nhiều năm liền Hường là học sinh giỏi. Hiện Hường đã nhập học ngành Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội.

Theo dantri.com.vn