Chủ nhật, 19/05/2024, 01:03[GMT+7]

Thực hiện chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học: Phải bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định

Thứ 2, 11/01/2021 | 08:47:06
2,685 lượt xem

Phổ biến chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học cho cán bộ hội cựu chiến binh.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong đó có chính sách đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người đã cống hiến cho Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh thường xuyên quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện không ít bất cập, hạn chế. Vì vậy, việc rà soát, chấn chỉnh để chính sách được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đem lại sự tin tưởng cho những người HĐKC và nhân dân là việc cần phải làm.

Nhiều thay đổi về quy định thực hiện chính sách trong quá trình triển khai

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giải quyết chế độ cho người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH bắt đầu thực hiện từ năm 2000. Đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 26.000 người được giải quyết hưởng chính sách. Trong quá trình gần 20 năm thực hiện, đã có nhiều thay đổi về các quy định trong giải quyết chế độ, chính sách này. Trong giai đoạn 2000 - 2006, người bị ảnh hưởng bởi CĐHH thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, chưa thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Từ giai đoạn 2006 đến nay, thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người bị ảnh hưởng bởi CĐHH chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công với cách mạng.

Cụ thể: Giai đoạn 2000 - 2004, chưa có quy định rõ danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật, chỉ quy định về thời gian công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH và sự suy giảm khả năng lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, dị dạng, dị tật chung. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã giải quyết cho trên 7.000 trường hợp hưởng chế độ đối với người bị ảnh hưởng bởi CĐHH. Sang giai đoạn 2004 - 2006, đã có quy định cụ thể về danh mục 144 bệnh, dị dạng, dị tật do nhiễm CĐHH (theo Thông tư liên tịch số 14 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế - Tài chính) song các cấp có thẩm quyền trong tỉnh mới xét duyệt hơn 5.000 hồ sơ nhưng chưa giải quyết hưởng chế độ. Giai đoạn 2006 - 2009, toàn tỉnh giải quyết cho 11.681 trường hợp hưởng chế độ (bao gồm cả hơn 5.000 hồ sơ giai đoạn 2004 - 2006 chuyển sang). Tuy nhiên, trong giai đoạn này, vào tháng 2/2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 09 quy định về danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Song trong thời điểm từ 2008 đến năm 2009 Thái Bình vẫn áp dụng hướng dẫn của Sở Y tế Thái Bình với 125 danh mục bệnh, dị dạng, dị tật (nằm trong 144 bệnh theo Thông tư số 14). Từ năm 2009 đến nay là thời điểm đã có đầy đủ các hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng về thực hiện chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, toàn tỉnh giải quyết hưởng chế độ cho hơn 5.000 trường hợp.

Rà soát, chấn chỉnh để bảo đảm việc thực hiện đúng quy định của pháp luật

Sau quá trình triển khai giải quyết chế độ, chính sách với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách tại Thái Bình. Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thanh tra tại huyện Quỳnh Phụ. Sau các cuộc thanh tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kết luận yêu cầu tỉnh Thái Bình rà soát lại toàn bộ các trường hợp hưởng chính sách từ năm 2000 - 2009. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các công văn chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát. Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương rà soát toàn bộ 19.093 hồ sơ người HĐKC bị nhiễm CĐHH lập từ năm 2000 - 2009. Qua rà soát đã dừng trợ cấp 354 trường hợp vì không bổ sung được hồ sơ giấy tờ chứng minh chiến trường, đến nay 235 trường hợp đã chết, còn 119 trường hợp đình chỉ hưởng chính sách từ ngày 1/8/2018. Có 519 trường hợp là con đẻ của người HĐKC có quyết định đình chỉ trợ cấp từ ngày 1/8/2018 vì không đủ điều kiện theo quy định. Cũng từ năm 2018 đến tháng 1/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tiếp 4 đợt dừng trợ cấp đối với người HĐKC nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ, chính sách này.  

Ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quá trình rà soát và thực chứng đã huy động nhân lực toàn ngành thực hiện rất kỹ càng, chính xác. Bởi việc thực hiện chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người HĐKC, không thể để những người có công với cách mạng phải chịu thiệt thòi nên từng hồ sơ đều được rà soát rất thận trọng. Tất cả các trường hợp đã có quyết định dừng trợ cấp đều là những trường hợp có hồ sơ không đủ các điều kiện theo quy định về hưởng chính sách và cả qua thực chứng không chứng minh được tình trạng bệnh hay dị dạng, dị tật của bản thân người HĐKC và con đẻ theo quy định. Đối với các trường hợp còn ý kiến thắc mắc và còn có đề nghị được làm hồ sơ bổ sung để chứng minh tình trạng liên quan đến nhiễm CĐHH của mình, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn tiếp tục tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ bổ sung, hướng dẫn thủ tục giám định y khoa. Nếu đủ điều kiện sau khi bổ sung hồ sơ và giám định y khoa vẫn được tiếp tục hưởng chế độ. Hiện nay, các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Hội Cựu chiến binh và các huyện, thành phố đang phối hợp để thực chứng phúc quyết 447 trường hợp còn có ý kiến với kết quả thực chứng.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH là việc đã thực hiện trong nhiều năm, qua nhiều giai đoạn. Những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân. Việc khắc phục những bất cập, sai sót, hạn chế đã và đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhằm bảo đảm chế độ, chính sách được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Trần Hương - Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày