Chủ nhật, 19/05/2024, 05:25[GMT+7]

Các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình, thống nhất nước nhà

Thứ 6, 15/01/2021 | 09:05:00
4,612 lượt xem
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội; mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc son lịch sử khẳng định những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Thái Bình điểm lại các dấu mốc quan trọng của Đảng.

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5/9/1960. Ảnh tư liệu

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 - 10/9/1960. 525 đại biểu chính thức, 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên cả nước dự Đại hội.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ - ngụy. Căn cứ đặc điểm tình hình đất nước, Đại hội đề ra đường lối chung cho cách mạng Việt Nam: Đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội chỉ rõ: Hai nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và miền Nam thuộc hai chiến lược khác nhau, mỗi nhiệm vụ nhằm giải quyết yêu cầu cụ thể của mỗi miền trong hoàn cảnh nước nhà tạm bị chia cắt làm hai. Song hai nhiệm vụ đó trước mắt đều có một mục tiêu chung là thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Đại hội thông qua Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với những nhiệm vụ cơ bản đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc: Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, phát triển toàn diện nông nghiệp; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp; nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân; cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động; củng cố quốc phòng, tăng cường trật tự an ninh, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc...

Tổng kết 30 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đại hội nêu lên những bài học kinh nghiệm lớn và khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện cơ bản quyết định mọi thắng lợi của nhân dân ta. Muốn cho Đảng làm tròn nhiệm vụ trong giai đoạn mới, vấn đề mấu chốt vẫn là không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tức là “phải nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, cụ thể là phải tăng cường tính chất giai cấp và tính tiên phong của Đảng, phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, phải cải tiến công tác lãnh đạo của Đảng, phải nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, phải làm cho chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở cơ sở”.

Đại hội thông qua Nghị quyết về ngày thành lập Đảng; Điều lệ Đảng (sửa đổi); Lời kêu gọi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới gồm 78 đồng chí, trong đó có 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu tiếp tục làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Văn Nguyên

(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày