Thứ 7, 23/11/2024, 02:58[GMT+7]

Bảo vật quốc gia đầu tiên của Thái Bình: Một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVII

Thứ 2, 18/01/2021 | 10:11:03
12,218 lượt xem
Năm 2020, lần đầu tiên Thái Bình có một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia. Đó là cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII.

Cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cỗ ngai trên được Bảo tàng tỉnh sưu tầm tại miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) vào trước năm 1999. Năm 2011, ngai thờ này đã bị bong tróc một số lớp sơn thếp, trên mặt ngai có một số điểm bị rạn nứt. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ Bảo tồn văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm phục dựng bảo tồn bộ sưu tập hiện vật đồ thờ bằng gỗ sơn thếp, niên đại thế kỷ XVII - XIX ở Bảo tàng tỉnh, cùng sự giúp đỡ của chuyên gia bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cỗ ngai đã được bảo tồn theo đúng phương pháp bảo quản hiện đại, được áp dụng trong các bảo tàng hiện nay.

Về những lý do Bảo tàng tỉnh lựa chọn cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng đề cử trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, theo chia sẻ của ông Đỗ Quốc Tuấn, có 3 lý do chính. Thứ nhất, đây là hiện vật gốc độc bản. Ngai thờ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là đồ thờ tự của miếu Hai Thôn - nơi được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1986. Cùng với cỗ ngai thờ, nhiều đồ thờ tự tại ngôi miếu cổ này cũng đang được trưng bày tại các bảo tàng trung ương và địa phương. 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng là một trong những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam nói chung và nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII nói riêng. Điều đó được thể hiện trên tay ngai, thân ngai, bệ ngai, chân ngai. Đầu tay ngai chạm rồng trong tư thế cuộn, quay đầu chầu bài vị đặt trên ngai. Trên hình vòng cung của tay ngai chạm nổi bốn hình rồng cân đối, mắt to, miệng rộng, râu dài, thân và đuôi uốn lượn, cuốn lấy vành tay ngai. Thân ngai có kết cấu gồm các trụ và lưng ngai. Trong đó, trụ ngai được tạo bởi 6 cột, mỗi cột là một thanh gỗ liền khối được đục rỗng, chạm khắc đề tài “trúc hóa long” với kỹ thuật chạm lộng, kênh bong tinh xảo và điêu luyện. Mặt trước của lưng ngai được bổ ba ô cân đối, mỗi ô chạm nổi hình rồng, mặt nhìn chính diện, miệng ngậm ngọc, râu, bờm rồng tua tủa như lưỡi đao, lưỡi mác. Đặc biệt, ở ô giữa được chạm trổ đề tài “rồng ổ”, gồm rồng mẹ và 4 rồng con. Mặt phía sau lưng ngai cũng được bổ ba ô cân đối, mỗi ô đều có đai soi chỉ, chạm bong, chạm kênh hình rồng uốn lượn mềm mại, hoa văn hoa chanh, hoa cúc cách điệu, vân mây lửa. Diềm hai bên lưng ngai được trổ thủng, trang trí công phu, tỉ mỉ đề tài rồng, hoa cúc, mây lửa dàn đều trong khoảng rộng của diềm lưng ngai, tạo thành bức tranh hài hòa và đẹp mắt. Mặt bệ ngai được đặt hai tượng nghê chầu, bố cục đăng đối. Bệ ngai được chia làm 3 tầng, trong đó, tầng thứ nhất và tầng thứ hai được chạm nổi đề tài “lưỡng long chầu hoa chanh”. Tầng cuối cùng, giáp đế ngai, có 4 chân quỳ dạ cá kép cùng bốn hình rồng ở bốn góc, tỳ cằm vào bệ, cuộn thân, nâng cả cỗ ngai trong tư thế vững chắc. Được tồn tại đến ngày nay với lớp sơn son thếp vàng tương đối nguyên vẹn và các kỹ thuật chạm trổ, đề tài trang trí trên ngai đã khẳng định: Vào thời Lê, các làng nghề thủ công truyền thống như sơn thếp, điêu khắc đã phát triển rực rỡ và trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.

Kỹ thuật chạm trổ, đề tài trang trí trên ngai cho thấy vào thời Lê các làng nghề thủ công truyền thống như sơn thếp, điêu khắc đã phát triển rực rỡ.

Thứ hai, đây là hiện vật có hình thức độc đáo về cả kích thước, hoa văn trang trí và kỹ thuật điêu khắc. Về kích thước, đây là ngai thờ bằng gỗ lớn, tạo thế uy nghi của chủ nhân được thờ. Đồng thời, có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong kho tàng ngai thờ cổ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII còn được lưu giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay. 

Về hoa văn trang trí, cỗ ngai thờ có đề tài vô cùng phong phú với 156 hình tượng rồng - con vật chủ đạo trên tất cả các mảng trang trí. Bên cạnh đó là 299 hoa sen cách điệu, 33 hoa cúc, 60 hoa chanh, 65 dây lá, hoa trúc, linh thú, vân mây lửa, ngọc báu.... Đây là những đề tài mang đậm yếu tố của nghệ thuật Phật giáo và Nho giáo, phản ánh đúng chức năng thờ tự của cỗ ngai. Hơn 630 họa tiết trang trí trên ngai thờ với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, bố cục hài hòa đã tạo nên một tác phẩm đặc trưng và đại diện cho nghệ thuật thời Lê Trung Hưng về đồ gỗ sơn son thếp vàng.

Đây là hiện vật gốc độc bản, được Bảo tàng tỉnh sưu tầm tại miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư).

Lý do quan trọng, theo ông Đỗ Quốc Tuấn, ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Tự thân cỗ ngai đã là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh trong giá trị tổng thể của di tích quốc gia miếu Hai Thôn. Cũng từ cỗ ngai này đã góp phần phản ánh lịch sử dựng nước và giữ nước của khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng từ thời Lý trở về sau, gắn với truyền thuyết của vị vua nổi tiếng Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương trong thời kỳ chống quân Lương và xây dựng nền độc lập tự chủ của nước nhà. Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, nếu như hiện vật thờ trong các di tích thời Lý, Trần, Lê, Mạc chủ yếu là tượng hoặc tượng ngồi trên ngai thì phải chăng hình thức thờ ngai này ở thời Lê Trung Hưng đã là sự mở đầu cho những ngai thờ mà đến triều Nguyễn trở thành một hiện tượng, được minh chứng qua những ngai thờ vua chúa Nguyễn hiện còn trong các di đền miếu ở cố đô Huế.

Cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng được công nhận là Bảo vật quốc gia là niềm tự hào của mỗi người dân Thái Bình. Nhưng làm thế nào để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của hiện vật là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý khi hiện nay, việc trùng tu, bảo tồn các di sản nói chung còn từ nguồn kinh phí khá hạn hẹp của ngân sách nhà nước.

Tú Anh