Thứ 7, 20/04/2024, 05:30[GMT+7]

Đại hội XIII: Đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế Việt Nam

Chủ nhật, 31/01/2021 | 05:50:09
681 lượt xem
Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định 5 năm qua có thể coi là giai đoạn tốt nhất trong 35 năm Đổi mới.

Việt Nam tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhân Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo, đánh giá về thành quả phát triển của Việt Nam trong 5 năm qua cũng như đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Thọ nhận định 5 năm qua có thể coi là giai đoạn tốt nhất trong 35 năm Đổi mới. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, trung bình gần 7%/năm. Các chỉ tiêu về vĩ mô như lạm phát, nợ công và tỷ lệ thất nghiệp đều được giữ ở mức ổn định.

Riêng năm 2020, do đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng bị chững lại nhiều, nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nước khác đều tăng trưởng âm. Theo Giáo sư, thành tựu ấn tượng nhất về kinh tế của Việt Nam là kinh tế đối ngoại, đặc biệt xuất khẩn tăng nhanh. Có nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã trở thành nước lớn về xuất khẩu trong ASEAN. Trong 10 nước ASEAN, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai. Do xuất khẩu tăng mạnh, cán cân mậu dịch đã được cải thiện nhiều.

Đánh giá về ý nghĩa của Đại hội XIII, Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh Việt Nam sắp bước vào một giai đoạn phát triển mới, có nhiều thay đổi lớn về chất, chất lượng phát triển. Việt Nam sắp trở thành nước có thu nhập trung bình cao và sau đó tiến lên nước phát triển hơn nữa. Vì vậy, các nguồn lực của xã hội cần phải được tăng cường và phát huy cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hơn thế nữa, do tình hình khoa học-công nghệ thay đổi rất nhanh, đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, vấn đề địa-chính trị trong khu vực và thế giới còn phức tạp.

Giáo sư nhận định cơ hội lớn nhưng thách thức cũng lớn, đòi hỏi Việt Nam phải có ban lãnh đạo theo kịp tình hình mới của đất nước và thế giới, có những quyết sách đúng đắn, nhất là quy tụ được nhân tài và trọng dụng người tài. Theo ông, trên tất cả các tố chất đó là phải có lòng yêu nước, yêu dân, có khát vọng mong đất nước phát triển giàu mạnh.

Đề cập tới mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong 5 năm tới, Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết vấn đề cơ cấu và các chính sách chuyển dịch cơ cấu là quan trọng nhất. Trong vấn đề cơ cấu có hai lĩnh vực liên quan với nhau là lao động và doanh nghiệp.

Về lao động, hiện nay, trong cơ cấu lao động có việc làm thì còn tới 35% trong khu vực nông nghiệp là khu vực có năng suất thấp. Vì vậy, cần phải chuyển dịch lao động về nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Việt Nam cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa hơn nữa, như vậy mới thu hút được nguồn lực lao động từ khu vực nông nghiệp sang.

Về cơ cấu doanh nghiệp, hiện nay, trong nền kinh tế Việt Nam, bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa và bộ phận doanh nghiệp cá thể vẫn chiếm tỷ trọng cao. Do vậy, Giáo sự cho rằng cần phải có những chính sách để cải thiện thị trường vốn, đất đai. Nhà nước cần tích cực giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và bộ phận doanh nghiệp cá thể này lớn mạnh lên.

Theo Giáo sư, còn một vấn đề nữa là cải thiện cơ cấu ngoại thương của Việt Nam. Tuy Việt Nam đang xuất siêu nhưng cơ cấu không ổn định, trong tương lai có thể bất ổn. Trong giai đoạn tới, nhất là 5 năm tới, Việt Nam cần công nghiệp hóa theo hướng thay thế nhập khẩu những mặt hàng hiện đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không quá tập trung vào thị trường Mỹ. Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN vẫn còn ít.

Giáo sư Trần Văn Thọ lưu ý một điểm nữa là thu hút các dòng vốn và công nghệ nước ngoài. Việc thu hút FDI cần phải có chiến lược khôn khéo trong thời gian tới. Trong tương lai, Việt Nam không thể phụ thuộc vào FDI nhiều được nữa, nhưng một mặt, vẫn có nhu cầu tiếp nhận FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực có sức lan tỏa, trong các lĩnh vực kết nối với các doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, doanh nghiệp trong nước cần phải mạnh hơn thì mới trở thành đối tác của các doanh nghiệp nước ngoài. Giáo sư kết luận ba điểm này liên quan mật thiết với nhau: cơ cấu lao động, cơ cấu doanh nghiệp và cơ cấu ngoại thương và liên quan tới FDI./.

Theo: daihoidang.vn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày