Thứ 6, 22/11/2024, 22:49[GMT+7]

Tết ông Công, ông Táo: Gìn giữ mỹ tục, bảo vệ môi trường

Thứ 5, 04/02/2021 | 10:11:10
8,998 lượt xem
Theo quan niệm, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Các gia đình bên cạnh việc làm lễ tiễn ông Công, ông Táo, gìn giữ mỹ tục cũng cần lưu ý việc bảo vệ môi trường, “thả cá, đừng thả túi nilon”.

Người dân thả cá tại bờ sông Trà Lý, thành phố Thái Bình.

Thả cá, đừng thả túi nilon

Với quan niệm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh nên mọi gia đình sau khi làm lễ cúng xong sẽ phóng sinh cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây không chỉ là phong tục tín ngưỡng mang nét đẹp văn hóa dân gian mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Tại thành phố Thái Bình, nhiều người đã lựa chọn sông Trà Lý làm nơi phóng sinh cá chép. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tình trạng người dân khi đi thả cá thường vứt cả túi nilon, thậm chí cả đồ cúng lễ như tiền vàng, đồ thờ xuống sông Trà Lý, Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong đã tổ chức túc trực tại các điểm thả cá dọc theo bờ sông Trà Lý để thu gom rác thải, tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi thả cá nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Chị Lê Thị Sinh Chi, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong cho biết: Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, từ chiều ngày 22 tháng Chạp, các đoàn viên của phường Lê Hồng Phong đã tập trung thu gom rác tại bờ sông Trà Lý, bố trí các băng rôn tuyên truyền về việc thả cá, không thả túi nilon. Trong ngày 23 tháng Chạp, dù gia đình nào cũng rất bận mải với lễ cúng ông Công, ông Táo nhưng Đoàn Thanh niên phường đã bố trí các đoàn viên thay phiên túc trực từ sáng sớm vừa để thu gom nilon, rác thải tại khu vực bờ sông, đốt chân nhang, tiền vàng, đồ thờ cúng được người dân mang đến vừa nhắc nhở mọi người để rác đúng nơi quy định, chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Đa phần người dân đến thả cá đều có ý thức trong bảo vệ môi trường nhưng vẫn có những trường hợp đứng từ trên cầu để thả cá, thả cả túi nilon và những bọc đựng chân nhang, vàng mã... khiến việc thu rác thải dưới dòng sông sẽ rất khó khăn. Năm nay, Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong bố trí cả loa tuyên truyền tại bờ sông và đoàn viên túc trực trên thành cầu nhắc nhở người dân thả cá và để túi nilon đúng nơi quy định.

Mong rằng mỗi người dân hãy gìn giữ và phát huy nét đẹp cổ truyền phóng sinh cá chép trong ngày 23 tháng Chạp song hành với ý thức bảo vệ môi trường, giữ cho các dòng sông thêm sạch, đẹp.

Giá cá chép đỏ tăng cao

Cá chép đỏ được coi là một trong những đồ cúng không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Theo chia sẻ của nhiều thương lái, năm nay, giá cá chép đỏ tăng hơn so với năm trước, giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/3 con. Bà Nguyễn Phương Hằng, một tiểu thương kinh doanh cá chép đỏ tại huyện Kiến Xương cho hay, lượng hàng ít nên giá cả tăng cao là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các tiểu thương cũng không dám nhập cá nhiều, chủ yếu mỗi người chỉ vài ki-lô-gam. Vậy nên thậm chí, giá cá chép đã tăng theo từng ngày. Trung bình, cá chép to khỏe, mẫu mã đẹp cúng ông Công, ông Táo có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/3 con, còn cá bé hơn có giá 30.000 - 40.000 đồng/3 con. Các tiểu thương lý giải giá cá chép cúng ông Công, ông Táo năm nay biến động theo chiều hướng tăng là do khan hiếm hàng nên đội giá lên cao. Năm trước vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều gia đình đã thu hẹp diện tích nuôi, giảm số đàn nên lượng cá từ các nơi đổ về chợ tương đối ít. Cùng chung nhận định đó, ông Phạm Xuân Doanh, một hộ nuôi cá chép đỏ tại huyện Vũ Thư cho biết: Nếu như năm trước xã Vũ Đoài có khoảng 100 hộ nuôi cá chép đỏ thì năm nay số hộ nuôi giảm còn một nửa. Năm nay nuôi cá chép đỏ được mùa được giá nên với hơn 1 tấn cá, sau khi trừ hết chi phí chăn nuôi cho lãi khoảng 50 triệu đồng.

Tú Anh