Thứ 6, 22/11/2024, 05:21[GMT+7]

OCOP: Khẳng định thương hiệu Thái Bình

Thứ 3, 09/02/2021 | 14:32:53
6,670 lượt xem
Cùng với lịch sử văn hóa lâu đời, Thái Bình có những làng nghề truyền thống nổi tiếng với các đặc sản phong phú, đa dạng. Vì vậy, việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần khẳng định thương hiệu riêng của quê lúa, là “cú hích” góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Nhiều hộ sản xuất bánh cáy ở làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đã nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ những sản phẩm mang đậm hồn quê...

Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy làng Nguyễn, món quà quê bình dị của người dân làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng). Bánh cáy làng Nguyễn có tuổi đời gần 300 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống. Món bánh quê được làm từ những nguyên liệu là những nông sản địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, dừa, mứt bí, gừng, cà rốt, vỏ quýt tươi, mỡ lợn... theo tỷ lệ và quy trình tỉ mỉ, công phu tạo nên hương vị rất đặc trưng cho thứ bánh này. Nếu như xưa kia bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn thủ công thì những năm gần đây, nhiều hộ sản xuất đã đầu tư kinh phí, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng vẫn giữ được hương vị đặc thù của bánh cáy làng Nguyễn. 

Ông Nguyễn Đăng Dần, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 1.500 hộ làm nghề bánh cáy, trong đó có hơn 50 cơ sở lớn với dây chuyền sản xuất khép kín, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ phát triển nghề làm bánh cáy truyền thống, Nguyên Xá trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của xã chiếm trên 80% cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 80%.

Cũng là một trong những sản phẩm được sản xuất từ hạt gạo quê lúa, bánh đa ở xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) đã trở thành đặc sản đáng tự hào của người dân nơi đây. Từ xa xưa, người dân làng Đợi, xã Đông Hải đã phát triển nghề làm bánh đa khô và được công nhận là làng nghề từ năm 2002. Toàn xã hiện có gần 100 hộ với hơn 500 lao động, mỗi ngày sản xuất ra hàng chục tấn bánh đa khô để cung cấp cho thị trường cả nước, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và địa phương, góp phần khẳng định thương hiệu hạt gạo quê lúa. 

Là một trong những hộ sản xuất kinh doanh tại địa phương với mong muốn xây dựng thương hiệu bánh đa truyền thống ngày càng vươn xa, gia đình ông Nguyễn Đăng Mười đã đầu tư cơ sở vật chất khá bài bản và luôn đi đầu trong việc áp dụng phương tiện sản xuất mới giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. 

Ông Mười chia sẻ: Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình OCOP cũng như sự trao đổi của các đơn vị tư vấn thực hiện sản phẩm OCOP, tôi nhận thấy người dân được thụ hưởng những giá trị to lớn khi thực hiện, chính vì vậy tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia và quyết tâm xây dựng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm bánh đa khô làng Đợi.

Với sự đa dạng, phong phú về chủng loại, các sản phẩm từ lúa gạo, đồ uống, thảo dược, may, dệt... Thái Bình có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chương trình OCOP.

... đến những sản phẩm OCOP tiềm năng

Là địa phương triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với nhiều địa phương khác song Thái Bình xác định OCOP là một mô hình mới, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên ngay từ khi bắt đầu tỉnh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, không thực hiện ồ ạt, không làm theo phong trào mà làm đến đâu chắc đến đó, mang lại hiệu quả thực chất. Tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương khảo sát và lựa chọn những sản phẩm chủ lực hiện có để hoàn thiện phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã lựa chọn và tiến hành khảo sát đối với 30 sản phẩm của 21 đơn vị và phân chia ra 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Các nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, dịch vụ tâm linh, nhóm vải may mặc, các sản phẩm hiện đang có lợi thế lớn như nấm, tỏi, trà túi lọc, bánh đa, bánh cáy, rượu đinh lăng, nước thiên nhiên, cói, cây phát lộc, sản phẩm thêu... Kết quả cho thấy, nhiều sản phẩm đã được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển đa dạng sản phẩm; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm website, hệ thống bao bì, tem nhãn sản phẩm. Đến hết năm 2020 có 16 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Thái Bình được trung ương lựa chọn là địa phương tham gia kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai chương trình OCOP với 2 sản phẩm là bánh cáy làng Nguyễn và bánh đa Quỳnh Côi. Đến nay, tỉnh đã gửi báo cáo và tờ trình tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thẩm định.

Với quyết tâm của người dân và sự đồng hành của Nhà nước, quá trình thực hiện chương trình OCOP của Thái Bình sẽ đạt được những thành công nhất định, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm không chỉ vươn tầm quốc gia mà còn có cơ hội bước ra thị trường quốc tế.

Minh Quân