Thứ 6, 29/03/2024, 00:27[GMT+7]

Nhân lên tình yêu với nghệ thuật chèo

Thứ 2, 22/02/2021 | 09:27:01
13,605 lượt xem
Nằm bình lặng giữa phố phường tấp nập ngược xuôi, căn nhà nhỏ của NSND Văn Mởn - NSND Thúy Hiền khá khó tìm giữa rộn ràng những cửa hàng, cửa hiệu. Rời xa ánh đèn sân khấu nhưng chưa một ngày ngơi nghỉ, cùng với nhiều người thầy đặc biệt khác, họ đang thầm lặng cống hiến cho nghệ thuật qua việc bền bỉ dìu dắt, truyền nghề, nhân lên trong giới trẻ tình yêu với nghệ thuật chèo.

Nghệ sĩ Văn Tuấn - nghệ sĩ Hằng Nga và các học trò nhí.

Duyên nợ cả cuộc đời

Đến thăm NSND Văn Mởn - NSND Thúy Hiền một buổi chiều muộn cuối năm, trong cái lạnh buốt giá của ngày đông, ông bà hồ hởi: Căn nhà nhỏ này vẫn là điểm hẹn thường xuyên của các nghệ sĩ trẻ. Họ đến để được bà uốn nắn từng cử chỉ, điệu bộ, lời ca của người nghệ sĩ trong mỗi phân cảnh của vở diễn, còn ông thì luyện tập nhiều hơn cho các học trò về cách lấy hơi, ngắt nhịp và cẩn trọng lý giải ý nghĩa từng từ ngữ cổ. Năm nào các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình cũng tham gia các cuộc thi toàn quốc, cũng là chừng ấy năm, ông bà vẫn nhiệt tình trao truyền, luyện tập, rèn dũa cho các nghệ sĩ có được sự chuẩn bị tốt nhất các cuộc thi. Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều chương trình nghệ thuật phải tạm hoãn nhưng các nghệ sĩ trẻ Nhà hát Chèo Thái Bình đã tham gia và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Góp phần vào kết quả đó có sự dìu dắt, hỗ trợ của NSND Văn Mởn - NSND Thúy Hiền.

NSND Văn Mởn hoài niệm: Mấy chục năm trước là thời kỳ hoàng kim, rực rỡ của chèo. Khi ấy, Đoàn chèo Thái Bình nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc với những đợt lưu diễn dài ngày và có cả những chuyến công diễn sang nước ngoài. Trang trọng trong phòng khách nhà ông bà vẫn treo tấm poster quảng cáo những buổi biểu diễn vở “Quan Âm Thị Kính” tại Nhật Bản, một trong những vở chèo cổ đã làm nên tên tuổi của NSND Thúy Hiền. NSND Văn Mởn chia sẻ, cả cuộc đời ông gắn bó với chèo, giờ đây nhìn sân khấu chèo trầm lắng đi nhiều, ông rất buồn. Ông lo lắng, một ngày nào đó người trẻ không thiết tha với nghệ thuật truyền thống nữa.

Tận tâm với những tài năng nhí

Rời căn nhà nhỏ của NSND Văn Mởn - NSND Thúy Hiền, chúng tôi đến thăm gia đình nghệ sĩ Văn Tuấn - nghệ sĩ Hằng Nga, căn nhà lúc nào cũng rộn ràng những lời ca tiếng hát của những cô cậu học trò nhỏ tuổi. nghệ sĩ Hằng Nga cho biết: Bởi tình yêu với nghệ thuật chèo nên nhiều bậc phụ huynh khi con chỉ mới chỉ 4, 5 tuổi đã gửi gắm vợ chồng chị dạy hát chèo. Ngày thường, cứ sau giờ học trên lớp, các em lại đến nhà anh chị để được hướng dẫn tập luyện những ca khúc mới, những điệu chèo cổ. Những ngày nghỉ cuối tuần, căn nhà nhỏ lại càng rộn ràng hơn khi được đón các học trò từ những huyện xa thành phố. Các em sẽ ở hẳn lại nhà thầy cô trong ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể gặp mặt trực tiếp, thầy cô lại dạy hát, dạy múa trực tuyến. Tình yêu với nghệ thuật chèo lớn dần lên trong những cô cậu học trò. Từ mái nhà này, có những người đã trở thành nghệ sĩ, diễn viên...

Năm 2020, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với mong muốn mang nghệ thuật truyền thống cổ vũ tinh thần chống dịch, nghệ sĩ Văn Tuấn - nghệ sĩ Hằng Nga đã khuyến khích các học trò tại Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tập luyện chuỗi ca khúc chèo với nội dung chung tay chống đại dịch Covid-19. Thời gian tập luyện gấp rút, bên cạnh đó, phần lớn các giờ học thầy cô cùng học trò trao đổi qua các phần mềm trực tuyến nhưng điều đáng mừng là bản thân các em nhỏ cũng đã tự sáng tạo cho mình những cách thể hiện riêng để có thể truyền tải tốt nhất thông điệp của các bài hát chèo đến với khán giả. Kỷ niệm đáng nhớ là khi ra mắt MV của ca cảnh chèo “Chống dịch như chống giặc” trong thời điểm cách ly toàn xã hội, mỗi học sinh vừa là ca sĩ vừa trở thành đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên “bất đắc dĩ” để mang tới cho khán giả những hình ảnh đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất trong khả năng của mình. Cũng trong thời gian này, học trò Lê Quang Vinh của nghệ sĩ Văn Tuấn - nghệ sĩ Hằng Nga đã đạt giải “Giọng hát thiếu nhi hay nhất” trong lễ trao giải “Tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền dịch Covid-19” với bài hát chèo “Nhớ lắm trường ơi”.

Thầy và trò ôn bài trước giờ biểu diễn.

Những “người thầy đặc biệt” như NSND Văn Mởn - NSND Thúy Hiền, nghệ sĩ Văn Tuấn - nghệ sĩ Hằng Nga bằng những việc làm thầm lặng, bền bỉ của mình đang từng ngày nhân lên trong thế hệ trẻ tình yêu với nghệ thuật chèo. Niềm vui của những người nghệ sĩ tâm huyết với chèo là trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra nhiệm vụ: “Phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát chèo (đồng bằng sông Hồng) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, họ hy vọng việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo sẽ có sự quan tâm đúng mức.

Tú Anh