Thứ 7, 20/04/2024, 22:52[GMT+7]

Thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT

Thứ 3, 23/02/2021 | 09:58:54
3,776 lượt xem
Theo Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2021, quy định thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực. Quy định này đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng nâng cao chất lượng KCB BHYT.

Việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân nhưng cũng gây không ít áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Sau khi ở Hà Nội về thăm quê và phát hiện bị tiểu đường thai kỳ cao nên chị Phí Hồng Duyên, quận Hoàng Mai đã được chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ chính sách thông tuyến tỉnh, chị vẫn được hưởng chi phí điều trị theo đúng phạm vi quyền lợi mà không cần giấy chuyển viện. Chị Duyên cho biết, mặc dù điều trị tại Bệnh viện không đúng tuyến nhưng chị vẫn được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị theo mức hưởng. Quy định mới này rất ưu việt cho những người tham gia BHYT.

Ông Chu Đăng Sinh, xã Tây Giang (Tiền Hải) bị bệnh liên quan đến tim mạch nên thường xuyên phải đi khám bệnh. Ông cho biết: Trước đây khi điều trị nội trú tại các bệnh viện trái tuyến tôi chỉ được chi trả 60% chi phí KCB từ thẻ BHYT. Nhưng bây giờ, nhờ chính sách thông tuyến tỉnh nên tôi được chi trả 100% chi phí theo mức hưởng mà không cần giấy chuyển viện, rất tiện lợi cho người dân nói chung, đặc biệt những người già như tôi không phải mất công đi lại.

Có thể thấy, việc thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Theo đó, người bệnh dù đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc thì không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới mà vẫn được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng mà không mất công đi lại và giảm bớt được một số thủ tục, giấy tờ (mã quyền lợi 4 mức hưởng 80%; mã quyền lợi 3 mức hưởng 95%; mã quyền lợi 1, 2, 5 mức hưởng 100%). Quy định này không áp dụng cho KCB ngoại trú. Nếu người bệnh điều trị ngoại trú thì vẫn phải tự chi trả chi phí KCB của mình và vẫn cần giấy chuyển tuyến.

Mặc dù tạo thuận lợi cho người dân nhưng chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT cũng gây ra không ít áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày đầu thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh, số lượng bệnh nhân đến KCB tăng khoảng 300 người so với trước. Hiện tại, số lượng bệnh nhân đã cơ bản ổn định với gần 1.000 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, để phòng trường hợp bệnh nhân đông, Bệnh viện đã bố trí cán bộ làm thêm thời gian và đầu tư cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh.

Cũng như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh trong những ngày đầu thông tuyến đều ghi nhận số lượng bệnh nhân đông. Chỉ trong tháng 1/2021, số bệnh nhân trái tuyến đến KCB tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình tăng gấp 1,5 lần so với tháng 12/2020. Bác sĩ Bùi Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Việc bệnh nhân điều trị nội trú tăng lên vừa là áp lực nhưng cũng vừa tạo động lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao chất lượng KCB, phấn đấu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ người bệnh tốt nhất và thu hút người dân đến KCB tại bệnh viện mình. Chính vì thế, bên cạnh việc nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của các y bác sĩ, Bệnh viện còn tập trung bổ sung mới các trang thiết bị như máy soi xung kích, laser nội mạch... Các kỹ thuật mới cũng được áp dụng như kỹ thuật điện châm, thủy châm cho trẻ tự kỷ, điện châm, thủy châm để giảm nhẹ ung thư...

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện nay, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về vấn đề thông tuyến tỉnh nên một số trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện thì họ lại lên thẳng bệnh viện tuyến trên, gây áp lực rất lớn đối với cán bộ y tế tuyến tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bố trí nhân lực, vật lực, chủ động tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu đúng, đủ về quy định thông tuyến tỉnh.

Mặc dù bệnh nhân khi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh đều được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT, tuy nhiên, theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì trong trường hợp này, bệnh nhân không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành (quy định bệnh nhân được BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở). Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, đồng thời tránh tình trạng quá tải bệnh viện, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về chính sách BHYT, khuyến khích bệnh nhân KCB đúng tuyến, đúng quy định.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày