Chủ nhật, 24/11/2024, 13:42[GMT+7]

Tạo động lực để kinh tế bứt phá

Thứ 5, 25/02/2021 | 10:16:35
12,368 lượt xem
Năm 2021, Thái Bình đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 9,1% trở lên so với năm 2020. Nhằm tạo động lực đưa kinh tế bứt phá trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngay từ những ngày đầu năm, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp, từ đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa Thái Bình ngày càng phát triển.

Cầu vượt sông Trà Lý thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình sẵn sàng cho lễ hợp long.

Những ngày đầu năm 2021 và cũng là những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, trên công trường xây dựng cầu vượt sông Trà Lý thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, cán bộ, công nhân vẫn hối hả làm việc nhằm hoàn tất các công việc phục vụ cho lễ hợp long dự kiến tổ chức sau tết Nguyên đán Tân Sửu. 

Ông Vũ Văn Toản, phụ trách thi công dự án (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh) cho biết: Xác định tầm quan trọng của dự án, Công ty đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện dự án; đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Giám đốc Công ty đã trực tiếp xuống công trường động viên cán bộ, công nhân cả về vật chất và tinh thần; yêu cầu cán bộ, công nhân trên công trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, bố trí công nhân làm đủ 3 ca/ngày. Chính vì thế, đến nay công trình cầu vượt sông Trà Lý đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, vượt tiến độ 8 tháng so với mục tiêu đề ra, sẵn sàng cho lễ hợp long.

Cùng với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, thời gian qua, Thái Bình cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, mang tính động lực liên vùng, có tác động quan trọng đến sự phát triển của tỉnh như: tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình, một số tuyến đường giao thông liên vùng tạo động lực thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và vào tỉnh nói chung... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế. 

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình, đến nay đã có 18 nhà đầu tư được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho 26 khu chức năng, 8 nhà đầu tư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thực hiện thí điểm, có 5 khu chức năng đã được phê duyệt phân khu. Để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tập trung tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: tuyên truyền, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển, thu hút nguồn lực, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường an ninh trật tự ổn định cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất.

Hoạt động sản xuất ở nhà máy số 1, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình.

Không chỉ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, thời gian qua, Thái Bình còn chủ động phối hợp và kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, tỉnh đã tổ chức lễ phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh năm 2021; đồng thời, tổ chức các đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó góp phần khích lệ, động viên và tạo khí thế thi đua sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. 

Tại Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, gần 15.000 lao động của Công ty đã trở lại làm việc bình thường. Năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng Công ty đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từ đó duy trì tốt đà tăng trưởng với giá trị sản xuất đạt 1.900 tỷ đồng; sản xuất, xuất khẩu 9 triệu sản phẩm; doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách nhà nước hơn 215 tỷ đồng. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội và 7 nhà máy ở Thái Bình, hiện nay Công ty đang hoàn thiện việc xây dựng 1 nhà máy ở Hưng Yên, dự kiến quý I/2021 sẽ đi vào hoạt động. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty chia sẻ: Công ty giữ được nhịp tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn là do có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đoàn kết, thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, linh hoạt, tích cực mở rộng ngành hàng sản xuất nhằm bảo đảm duy trì việc làm đều đặn cho người lao động. Đối với Công ty Cổ phần Ceravi (khu công nghiệp Tiền Hải), được sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành, địa phương, tháng 11/2015 Công ty bắt đầu đi vào hoạt động với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là sứ vệ sinh và sứ gia dụng cao cấp, không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước ở châu Âu và châu Á. Năm 2020, Công ty sản xuất 500.000 sản phẩm, doanh thu đạt 160 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2,1 tỷ đồng. Hưởng ứng phát động của tỉnh về thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh năm 2021, ngay trong sáng ngày mùng 6 tết Nguyên đán Tân Sửu, Công ty đã tổ chức ra quân sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2021 đạt doanh thu 215 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 2,1 tỷ đồng trở lên.

Bằng những giải pháp sát thực, khẩn trương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021, Thái Bình đã và đang tạo bước chuyển mình, từ đó tạo động lực, quyết tâm xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Minh Hương