Thứ 7, 20/04/2024, 01:31[GMT+7]

Sơ kết thực hiện Đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”

Thứ 5, 01/04/2021 | 18:22:56
9,351 lượt xem
Chiều ngày 1/4, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo” của tỉnh báo cáo sơ kết thực hiện Đề án. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Thực hiện Đề án, đến năm 2020, tổng đàn trâu, bò đạt 81,7% mục tiêu Đề án (57.200/70.000 con); tổng sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 92,4% mục tiêu; đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn ước đạt 70% mục tiêu; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trâu, bò trên tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 86,6% mục tiêu đề án. Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật được tăng cường và cải thiện, nhất là công tác giống, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò sinh sản; các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường được xây dựng có hiệu quả cao. Chăn nuôi bò bước đầu đem lại thu nhập kinh tế khá, ổn định cho nông dân; nhận thức về chăn nuôi trâu, bò có chuyển biến rất rõ; phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp xuất hiện nhiều hơn tại các địa phương. Đã có 10 doanh nghiệp đề xuất được khảo sát, nghiên cứu, đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò tuy nhiên chưa xây dựng được doanh nghiệp “hạt nhân”, chưa có trang trại “lõi”.

Tại cuộc họp, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, lãnh đạo các địa phương cũng đã chỉ rõ những tồn tại, khó khăn đồng thời thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Đề án.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh khẳng định, Đề án nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, cơ cấu của ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống cho người chăn nuôi. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, thời gian tới cần tăng cường sự chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án ở các cấp, đặc biệt là tăng cường sự kiểm tra trực tiếp của ban chỉ đạo cấp trên đối với ban chỉ đạo cấp dưới; đánh giá tiến độ thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm, xây dựng cơ chế hỗ trợ các mô hình, trang trại đang chăn nuôi mở rộng quy mô, tổng đàn theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học bảo đảm môi trường. Đối với các dự án nghiên cứu đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò có tính khả thi cao, phù hợp với chủ trương, định hướng theo Đề án, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cùng với các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Các huyện, thành phố cần rà soát, bố trí quỹ đất ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi trâu, bò; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật và nhân rộng các mô hình điển hình; tổ chức lại sản xuất, từng bước thực hiện hiệu quả liên kết chuỗi. Đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ngành Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Ngân Huyền