Chủ nhật, 28/04/2024, 10:25[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo một số nội dung quan trọng

Thứ 5, 01/04/2021 | 18:25:23
3,347 lượt xem

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Chiều ngày 1/4, UBND tỉnh họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo các nội dung: dự thảo Quyết định ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; dự thảo Kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Thái Bình theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, năm học 2021-2022; dự thảo Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đối với dự thảo Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, sẽ có 2 tiêu chí để các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, sách giáo khoa phải phù hợp với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; phù hợp với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Đối với kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bảo đảm sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục. Các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt theo quy định trước ngày 15/04/2021. Căn cứ vào số lượng sách giáo khoa đã được các cơ sở giáo dục đăng ký, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các nhà xuất bản bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục trước ngày 20/07/2021.

Đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, hàng năm, tính từ năm 2021 đến năm 2025, các cơ sở giáo dục cử tối thiểu 20% số lượng giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo chuẩn đi đào tạo để đạt chuẩn. Đồng thời, lựa chọn cơ sở đào tạo, xác định hình thức đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo cho cơ sở đào tạo giáo viên được lựa chọn. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 4.206 giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo, trong đó mầm non là 438 giáo viên, tiểu học là 1.888 giáo viên, THCS là 822 giáo viên, trường tiểu học và THCS là 1.058 giáo viên.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa năm học 2020-2021 để việc triển khai, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022 đạt hiệu quả cao. Đối với việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, các đại biểu thống nhất rút ngắn lộ trình nâng chuẩn nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất không ban hành kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Thái Bình theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thay vào đó, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng nội dung của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nội dung công việc thuộc thẩm quyền theo đúng Thông tư 25. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức việc lựa chọn sách giáo khoa đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh giáo viên phải đạt chuẩn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hoàn thiện hình thức, nội dung, chi tiết dự thảo, đặc biệt là dự toán kinh phí hàng năm theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 do Chính phủ ban hành về quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Đặng Anh