Thứ 5, 25/04/2024, 09:16[GMT+7]

Thái Bình - điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Thứ 4, 28/04/2021 | 11:12:17
2,991 lượt xem

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý. Ảnh: Ngọc Trâm

Là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, những năm qua, Thái Bình đã có những bước chuyển mới, kinh tế tăng trưởng khá và toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được dấu ấn nổi bật: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 9%/năm, trong đó năm 2020 GRDP và thu nhập bình quân đầu người ước cao gấp 1,7 - 1,8 lần so với năm 2015. Có được thành công đó, một trong những yếu tố quan trọng là tỉnh đã nỗ lực thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Thái Bình là tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế; có nguồn khí mỏ tự nhiên ở thềm lục địa với trữ lượng trên 10 tỷ m3 đã được khai thác, dẫn vào khu vực ven biển của tỉnh với sản lượng bình quân 200 triệu m3/năm; có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, diện tích đất nông nghiệp trên 100.000ha cùng đường bờ biển dài 54km rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến nông sản; có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 26 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo trên 33.500 người/năm, rất thuận lợi cho việc đào tạo và liên kết giảng dạy với các đơn vị sử dụng lao động. Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm điện lực Thái Bình với 2 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 1.800MW đã hòa lưới điện quốc gia bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho Thái Bình và các tỉnh lân cận... 

Thời gian qua, Thái Bình luôn duy trì và phát huy tốt những lợi thế đó để thu hút ngày càng nhiều hơn các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh. Cùng với đó, Thái Bình còn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích 30.583ha nằm ở khu vực ven biển có vị trí rất thuận lợi, kết nối tới các nước trên thế giới qua sân bay Cát Bi và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); đây là một trong những khu kinh tế của cả nước có chức năng tổng hợp bao gồm cả các khu công nghiệp chất lượng cao, khu dịch vụ, thương mại và đô thị hiện đại ven biển.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Với quan điểm nhà đầu tư thành công trên địa bàn tỉnh chính là động lực phát triển của tỉnh, thời gian qua, Thái Bình đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài. Cùng với việc ban hành, quyết liệt triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 5/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020, Thái Bình còn ban hành đề án cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh với 100% thủ tục hành chính đã được triển khai thực hiện theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, từ đó tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, tỉnh còn chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả như: chính sách hỗ trợ máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn; chính sách hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình... Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A; dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thaco - Thái Bình... Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Công ty Tân Đệ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và Canada.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực của Thái Bình trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đó là năm 2020 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 3 bậc so với năm 2019, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Với kết quả đó, Thái Bình đã có 4 năm liên tiếp tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI với nhiều chỉ số thành phần có mức điểm đánh giá tăng so với năm 2019 như: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý. Đối với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI), năm 2020, Thái Bình tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh trung bình cao với hai chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân thuộc nhóm các tỉnh cao nhất.

Đón làn sóng đầu tư

Nhờ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào Thái Bình có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký. Đến hết quý I/2021, toàn tỉnh có gần 1.100 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng, trong đó có 92 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 830 triệu USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tỉnh có 6 dự án được cấp mới, 3 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 4.771 tỷ đồng, gấp 3 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều nhà đầu tư đã tham gia đầu tư vào Thái Bình với quy mô dự án lớn, công nghệ tiên tiến như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thaco, Tập đoàn Lộc Trời...

Khu công nghiệp Tiền Hải hiện đã thu hút được 45 doanh nghiệp đầu tư 70 dự án với tổng vốn đăng ký gần 13.200 tỷ đồng. Ảnh: Thành Tâm

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2026 là thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, Thái Bình tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, không ngừng đổi mới để tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày