Thứ 5, 26/12/2024, 22:28[GMT+7]

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 6, 30/04/2021 | 10:25:42
1,024 lượt xem
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, được nhắc đến nhiều lần trong mỗi cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19 từ trung ương tới địa phương. Nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng đã sớm đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt ngay từ đầu, đồng thời luôn có sự điều chỉnh để sát với diễn biến dịch bệnh nhằm ngăn chặn, kiểm soát tốt nguồn lây.

Công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly tập trung tại Trung đoàn 568.

Thực tế cho thấy, do chủ quan, lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, không quyết liệt ngay khi dịch bắt đầu bùng phát, một số quốc gia trên thế giới đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Không chỉ ghi nhận số người nhiễm, tử vong cao, các bệnh viện quá tải, gia tăng áp lực cho hệ thống y tế mà còn khiến nền kinh tế suy giảm, các hoạt động văn hóa, xã hội bị ngừng trệ. Hệ lụy của dịch bệnh còn khiến nhiều bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 có những dấu hiệu rối loạn tâm thần như: lo âu, trầm cảm… Dù đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch sau đó nhưng với tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh ở một số quốc gia này vẫn khó kiểm soát.

Tại Việt Nam, cũng có lúc, có nơi đã chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch gây nên những hậu quả đáng tiếc khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng, xáo trộn. Sự việc nam tiếp viên hàng không tại Thành phố Hồ Chí Minh bị lây nhiễm Covid-19 sau đó làm lây lan ra cộng đồng khiến nhiều người khác bị nhiễm Covid-19 là một ví dụ. Sự thiếu ý thức của nam tiếp viên trong việc không tuân thủ các quy định cách ly cũng như việc buông lỏng quản lý, cách ly ở một số bộ phận đã khiến không chỉ các cấp, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành phố khác phải vất vả trong việc điều tra, truy vết, xét nghiệm những người có nguy cơ. Hàng nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, một số nơi phải phong tỏa, thực hiện giãn cách... Với sự nỗ lực không quản ngày đêm của các cấp, ngành, địa phương, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng từ thực tế trên đã cho thấy sự nguy hại của dịch bệnh và những hậu quả khó lường chỉ vì một người chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch. Sau đó, nam tiếp viên đã bị xét xử, bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Hiện nay, sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn đang khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với những làn sóng lây nhiễm mới đòi hỏi cần có biện pháp ứng phó quyết liệt hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không chỉ Mỹ, Ấn Độ, Brazil mà ở một số quốc gia Đông Nam Á như: Campuchia, Thái Lan… dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia phải áp dụng biện pháp mạnh như phong tỏa thành phố.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây vẫn ghi nhận có những trường hợp nhập cảnh trái phép và có người nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài về. Nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn nếu chỉ một chút chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý, kiểm tra, rà soát người nhập cảnh. Tại cuộc họp trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch với các tỉnh, thành phố mới đây, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ ra một số nguy cơ có thể gây bùng phát dịch như: tâm lý chủ quan, lơ là trong cộng đồng, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; nhập cảnh trái phép (biên giới đường mòn, lối mở); quản lý người nhập cảnh hợp pháp không tốt; việc kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch chưa thường xuyên, chưa thực chất và mầm bệnh có thể còn trong cộng đồng. Tại Thái Bình dù trong đợt dịch thứ 3, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận có bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong cộng đồng song trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường hiện nay, nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn thường trực.

Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việt Nam đã triển khai tiêm vắc-xin nhưng chưa thể dựa hoàn toàn vào vắc-xin để phòng, chống dịch. Vắc-xin chỉ giúp chúng ta có thêm vũ khí để phòng, chống dịch. Biện pháp hàng đầu hiện nay vẫn là tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt thông điệp 5K + vắc-xin của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Campuchia; sau nhiều ngày không ghi nhận có bệnh nhân nhiễm trong cộng đồng, người dân lại có tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã khuyến cáo. Thêm vào đó, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều người có nhu cầu dịch chuyển ra tỉnh ngoài đi du dịch, thăm thân. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn tỉnh. Do đó, chúng tôi khuyến cáo mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K + vắc-xin của ngành Y tế; tìm hiểu những địa điểm nên đến, không nên đến dịp nghỉ lễ; tổ chức ăn uống, giao lưu ở quy mô hợp lý, tránh tập trung đông người; thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, ghi nhật ký di chuyển… để tránh những hậu quả đáng tiếc do chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày