Thứ 7, 27/04/2024, 01:27[GMT+7]

Tạo đột phá từ cải cách hành chính

Thứ 2, 17/05/2021 | 08:24:52
989 lượt xem
“Tăng cường cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” được xác định là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì vậy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác CCHC mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC; thực hiện nghiêm quy định “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân”. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, trong năm 2020, các sở, ngành đã rà soát toàn bộ TTHC của 16 lĩnh vực để đưa ra phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết của 1.078 TTHC, đạt 40,87% so với quy định của trung ương, vượt mức kế hoạch đề ra. Trong năm nay, tỉnh sẽ rà soát khoảng 60 TTHC thuộc các lĩnh vực có liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp gồm: tài nguyên và môi trường; xây dựng; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; giao thông vận tải; lao động - thương binh và xã hội, trên cơ sở đó có phương án đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc thực hiện giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Quỹ đầu tư phát triển Thái Bình: Việc này đã góp phần rút ngắn từ 2 - 3 ngày cho một quy trình thủ tục và việc không trực tiếp vào phòng làm việc của chuyên viên các phòng, ban đã tránh được những phiền hà không đáng có cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, tổng số TTHC được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.321/1.326 TTHC (chiếm 99,62%); số TTHC được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện là 208/221 TTHC (chiếm 94%). Các hồ sơ giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” cơ bản đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn. Qua triển khai cho thấy việc giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” đã tạo chuyển biến đáng kể, tăng hiệu quả làm việc, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đồng thời thực hiện mục tiêu “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 được cung cấp đến người dân” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cung cấp và thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4. Năm 2020, tỉnh đã cung cấp 947 DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVCTT của tỉnh (đạt 53,4%, cao hơn yêu cầu Chính phủ đề ra). Đầu năm nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 1.223 DVCTT mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giao các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố xây dựng quy trình điện tử thực hiện đối với từng TTHC theo ngành, lĩnh vực quản lý; phấn đấu trong năm 2021 tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT mức độ 3 đạt 80%, mức độ 4 đạt 50%. 

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 nên từ cuối năm 2020 đến nay tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của Trung tâm ngày càng tăng, chiếm trên 60%. Việc nộp hồ sơ trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, người nộp hồ sơ có thể nộp mọi lúc, mọi nơi tại bất cứ đâu có kết nối internet, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi. Đối với DVCTT mức độ 4, người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải đi lại lần nào từ nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả nên hạn chế được các tiêu cực, phiền hà.

Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải cách TTHC thời gian qua đã tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình tăng 3 bậc so với năm 2019, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng. Môi trường đầu tư được cải thiện đã góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh. Quý I/2021, Thái Bình đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án mới với vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 4.747 tỷ đồng.


Ông Đỗ Như Lâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã rà soát bộ TTHC và báo cáo, trình UBND tỉnh công bố quyết định cắt giảm thời gian thực hiện 19 TTHC. Hiện nay, bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở gồm 33 TTHC, trong đó 100% đều được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Sở không nhận hồ sơ nộp trực tiếp. Các hồ sơ đều được giải quyết trước và đúng hạn; hầu hết kết quả được trả qua thư điện tử hoặc qua bưu điện giúp tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Ông Trần Minh Tuyến, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong cải cách TTHC của tỉnh thời gian qua đã cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp. Nhiều TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh được rút ngắn trình tự, thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tăng tính công khai, minh bạch, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.

Đào Quyên