Chủ nhật, 19/05/2024, 04:58[GMT+7]

Về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp và quản lý các trường hợp nguy cơ cao

Thứ 2, 17/05/2021 | 22:22:41
3,924 lượt xem
Ngày 17/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 1947/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp và quản lý các trường hợp nguy cơ cao.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đề nghị các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ người lao động, khách hàng ra vào công ty thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế.

Thực hiện Văn bản số 107/TB-VPCP ngày 14/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang; Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

2. Chủ doanh nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tốt yêu cầu 5K và các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp:

- Xây dựng Kế hoạch và phương án phòng, chống dịch cụ thể theo các cấp độ gửi Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thành phố trước ngày 20/5/2021;

- Phun khử khuẩn định kỳ (ít nhất 01 lần/tuần) trong phạm vi doanh nghiệp; bố trí đủ dung dịch rửa tay diệt khuẩn, yêu cầu bắt buộc 100% người tại doanh nghiệp đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;

- Kiểm tra thân nhiệt người lao động đến làm việc. Khuyến khích doanh nghiệp tự bố trí xe đưa, đón công nhân (hạn chế đi xe công cộng), thực hiện giãn cách, đảm bảo không quá 50% chỗ ngồi trên xe và các quy định khác trong việc vận chuyển hành khách;

- Bố trí chia ca làm việc để giữ khoảng cách khi làm việc; bố trí không gian làm việc thông thoáng;

- Đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng, chống dịch trong khu chế biến thực phẩm, phòng ăn, phòng ngủ tại doanh nghiệp; bố trí phòng ăn, bàn ăn, ăn theo ca đảm bảo an toàn phòng, chống dịch;

- Yêu cầu 100% người lao động tại doanh nghiệp: Cài đặt Bluezone (đối với người sử dụng điện thoại thông minh); thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại; ký cam kết thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Khuyến cáo người lao động không về quê, không đi ra khỏi tỉnh Thái Bình trong thời điểm hiện nay; đối với trường hợp người lao động hằng ngày từ tỉnh khác đến tỉnh Thái Bình làm việc, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;

- Lập, cập nhật danh sách người lao động tại doanh nghiệp (các thông tin: họ tên, phòng/ban/phân xưởng làm việc, địa chỉ lưu trú, địa phương thường trú, số điện thoại liên hệ) để cung cấp cho các cơ quan chức năng để thực hiện công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu;

- Thông báo danh sách người lao động của đơn vị mình với Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp), với UBND huyện, thành phố (đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp) để Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và UBND huyện, thành phố kịp thời thông báo cho địa phương nơi người lao động cư trú;

- Định kỳ hằng tuần tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; báo cáo kết quả tự kiểm tra, đánh giá về Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp), về UBND  huyện, thành phố (đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp);

- Không tiếp nhận người lao động đến từ vùng có dịch, vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp trong vùng giãn cách xã hội, được tiếp nhận lao động từ các vùng không có dịch khác nhưng yêu cầu thực hiện nghiêm khai báo y tế, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc trong khi làm việc tại doanh nghiệp và nơi cư trú;

- Khi phát hiện trường hợp F0, khẩn trương, tạm thời phong tỏa doanh nghiệp không cho công nhân di chuyển ra ngoài, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt,...), hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân. Khẩn trương truy vết F1, F2, F3 thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc... Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời khẩn trương lập danh sách thông báo ngay cho địa phương liên quan trong và ngoài tỉnh để kịp thời truy vết, cách ly, xử lý y tế theo quy định;

- Thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý sau cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế đối với lao động là người nước ngoài nhập cảnh.

3. Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh; UBND huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các cấp độ tại khu công nghiệp; doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Hoàn thành trước ngày 22/5/2021; tổng hợp gửi Sở Y tế trước ngày 23/5/2021;

- Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án cách ly, xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19 tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó lưu ý các tình huống cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Kiểm tra kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm trung bình và nguy cơ lây nhiễm cao;
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống Covid-19 (AntoanCovid.vn);

- Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên đối với người lao động, nhất là những trường hợp tiếp xúc với nhiều người như: Bảo vệ, coi xe, lao động đến từ tỉnh ngoài và vùng có dịch... và triển khai phòng, chống dịch đối với các trường hợp nêu trên theo hướng dẫn của Sở Y tế;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế để hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp; hoàn thành trước ngày 22/5/2021;

- Báo cáo UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trước ngày 22/5/2021.

4. Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh:
Khẩn trương liên hệ với Ban Quản lý khu công nghiệp/Khu kinh tế các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... cập nhật danh sách lao động là người Thái Bình làm việc tại các địa phương trên; thông báo cho Sở Y tế, UBND huyện, thành phố để theo dõi, quản lý, cách ly theo quy định. Thời gian hoàn thành trước ngày 20/5/2021.
5. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh; UBND huyện, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phương án phòng, chống dịch theo các cấp độ và việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên đối với các trường hợp tiếp xúc với nhiều người hằng ngày và trường hợp có nguy cơ...; hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các chế phẩm sát khuẩn tay nhanh, chế phẩm sát khuẩn bề mặt;

- Chỉ đạo đơn vị y tế các tuyến kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thực hiện biện pháp điều tra dịch tễ, khai báo y tế, quản lý, theo dõi sức khỏe, cách ly, xét nghiệm theo quy định đối với các trường hợp đi, đến các địa phương có dịch, nhất là tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng...

6. Chủ tịch UBND huyện, thành phố:
Chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, giao trách nhiệm cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, phát huy vai trò Tổ Tự quản phối hợp với lực lượng công an tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý chặt chẽ các trường hợp đi, đến các địa phương có dịch, nhất là tại các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng... về địa phương, thông báo kịp thời với cơ quan y tế để có phương án cách ly, xét nghiệm kịp thời. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để sót, lọt những trường hợp nêu trên mà không quản lý, không lập danh sách.

7. Sở Công Thương, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý; xử lý và xử phạt theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt nghiêm ở mức cao nhất, cần thiết yêu cầu dừng hoạt động đối với doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Nhận Công văn này, yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện; Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thành phố thông báo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn này đến các doanh nghiệp theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày