Thứ 6, 22/11/2024, 21:48[GMT+7]

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi gặp khó khăn

Thứ 6, 28/05/2021 | 10:41:29
8,837 lượt xem
Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) gần đây liên tục tăng cao, trong khi đó giá sản phẩm chăn nuôi như lợn hơi, gà, vịt, trứng đều giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn do hiệu quả sản xuất giảm, lo ngại nguy cơ chăn nuôi không có lãi hoặc thua lỗ.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá lợn hơi, gà thịt, vịt thịt lại giảm khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.

7 lần tăng giá

Gia đình anh Lê Văn Tình và chị Trịnh Thị Yến, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận (Vũ Thư) hiện là hộ kinh doanh TĂCN và có trang trại nuôi lợn thịt quy mô lớn. Chị Yến cho biết: Từ tháng 9/2020 đến nay, giá TĂCN các loại đều tăng. Cụ thể, đối với các loại thức ăn dành cho chăn nuôi lợn đã 7 lần tăng giá. Tùy mỗi sản phẩm cám, hãng cám khác nhau mà giá tăng khác nhau, sau 7 lần tăng thì giá cám bình quân hiện nay là 12.000 - 13.000 đồng/kg, tăng từ 2.700 - 2.800 đồng/kg, tương đương mức tăng 25%. Đại lý TĂCN của gia đình chị Yến trước kia thường cung cấp ra thị trường trên 200 tấn cám/tháng thì hiện nay chỉ đạt 50% lượng tiêu thụ này do giá cám tăng, người chăn nuôi thu hẹp quy mô chăn nuôi. Ngay tại trang trại của gia đình, chị Yến đã buộc phải giảm quy mô chăn nuôi từ 1.000 con lợn/lứa xuống còn 500 - 600 con lợn/lứa do lo ngại chăn nuôi không có lãi hoặc thua lỗ.

Không chỉ giá TĂCN lợn tăng cao mà giá thức ăn dành cho chăn nuôi gia cầm như gà, vịt cũng tăng cao. Ông Tô Viết Triệu, chủ trang trại chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ và các loại cá tại xã Tân Phong (Vũ Thư) cho biết: Mấy tháng trước, giá 1 bao cám (25kg) dành cho vịt thịt là 220.000 đồng, sau nhiều lần tăng thì hiện nay là 295.000 đồng, tăng 75.000 đồng/bao, như vậy là tăng hơn 25% so với trước. Tương tự, giá cám dành cho vịt đẻ cũng tăng từ 350.000 đồng lên 410.000 đồng/bao 40kg; cám dành cho cá tăng từ 285.000 đồng/bao 25kg lên 330.000 đồng/bao, tăng 1.800 đồng/kg. Với quy mô chăn nuôi 3.000 - 4.000 con vịt/lứa và 5 mẫu ao thả cá, mỗi tháng gia đình ông Triệu cần nhập về 10 tấn TĂCN các loại. Với mức tăng giá TĂCN này, ông Triệu bị mất thêm 25 - 30 triệu đồng/tháng so với trước. Điều ông lo lắng hơn cả là giá TĂCN sẽ còn tiếp tục tăng.

Người chăn nuôi gặp khó

Nếu giá TĂCN liên tục tăng thì ngược lại, giá thịt lợn hơi, gà, vịt, trứng gà, trứng vịt đều giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Trịnh Thị Quỳnh Nga, chủ trang trại chăn nuôi lợn thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư) cho biết: Giá thức ăn cho lợn tăng nhưng ngược lại giá thịt lợn hơi gần đây giảm đáng kể, từ 90.000 đồng/kg vào tháng 2/2021 thì hiện nay chỉ đạt 67.000 - 70.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng giá lợn hơi giảm mạnh như hiện nay người chăn nuôi đã giảm lợi nhuận từ 2 - 2,3 triệu đồng/tạ lợn hơi. Để có 1 tạ thịt lợn hơi, người chăn nuôi cần đầu tư 2,2 tạ cám, với giá cám tăng 2.700 - 2.800 đồng/kg, chi phí chăn nuôi sẽ tăng lên xấp xỉ 600.000 đồng/tạ thịt lợn hơi. Như vậy, do ảnh hưởng của giá TĂCN tăng và giá lợn hơi xuống thấp, thời điểm này, người chăn nuôi đã bị giảm lợi nhuận 2,6 - 2,9 triệu đồng/con lợn. Với chi phí đầu tư và giá cám như hiện nay, bà con chỉ được lãi khoảng 500.000 - 600.000 đồng/con lợn. Nếu không tính toán kỹ chi phí đầu vào và đầu ra, cộng thêm rủi ro nếu lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thì bà con rất có thể rơi vào thua lỗ.

“Nếu thời điểm đầu năm 2021, giá gà thịt đạt 70.000 - 75.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 60.000 đồng/kg; giá vịt thịt giảm từ 43.000 - 45.000 đồng/kg xuống còn 30.000 - 34.000 đồng/kg, giá trứng vịt giảm từ 3.000 đồng/quả xuống còn 2.300 - 2.500 đồng/quả hiện nay. Giá bán gà, vịt, trứng giảm trong khi giá TĂCN lại tăng, hiện nay chúng tôi đang cầm cự chứ không có lãi. Nếu tiếp tục đà giá TĂCN tăng, giá sản phẩm giảm thì chúng tôi chắc chắn sẽ rơi vào tình thế càng chăn nuôi càng thua lỗ và phải tính đến phương án bán phá đàn” - ông Phạm Văn Quynh, chủ trang trại chăn nuôi vịt xã Minh Quang (Vũ Thư) cho hay.

Theo anh Trần Văn Bảy, chủ đại lý TĂCN lớn tại xã Bách Thuận (Vũ Thư): Nguyên nhân giá TĂCN liên tiếp tăng trong những tháng qua là do các công ty chế biến TĂCN của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Khi giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng đã kéo theo giá TĂCN trong nước tăng. Thậm chí, có thời điểm một số doanh nghiệp không có hoặc khan hiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất TĂCN. Không chỉ giá tăng, theo phản ánh của nhiều hộ chăn nuôi thì chất lượng các loại cám có phần giảm sút, họ phải tiêu tốn lượng TĂCN lớn hơn để đạt được cùng một lượng thịt lợn hơi. TĂCN tăng giá không chỉ người chăn nuôi gặp khó khăn mà doanh nghiệp và đại lý kinh doanh TĂCN cũng bị ảnh hưởng.

Huyện Vũ Thư hiện có 52 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại. Giá TĂCN tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại xuống thấp, cộng với bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đã gây khó khăn, làm giảm hiệu quả chăn nuôi và ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, nhiều nông dân bất an, lo lắng, không dám mạo hiểm đầu tư tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi.

Quỳnh Lưu