Thứ 5, 09/05/2024, 09:06[GMT+7]

Trẻ em và smartphone

Thứ 2, 31/05/2021 | 08:20:50
2,218 lượt xem
Tôi là một trong những người thuộc trường phái bảo thủ trong việc sử dụng công nghệ với trẻ em, đặc biệt là điện thoại. Mặc dù internet và smartphone (điện thoại thông minh) là những phát minh khiến đời sống con người trở nên tiện lợi hơn nhưng cũng sẽ có những điều bất lợi mà chúng ta, các bậc cha mẹ không thể lường hết được.

Khi con bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại và nhìn chúng bạn có thiết bị riêng, chúng sẽ hỏi xin để được sở hữu một cái điện thoại của riêng mình. Khi tôi đặt câu hỏi: “Bao nhiêu tuổi thì trẻ được phép có điện thoại riêng?”, một ông bố đã trả lời: “2 tuổi”. Câu trả lời này có làm bạn bị sốc không? Nhưng một người mẹ khác lại cho rằng, trao chiếc điện thoại thông minh cho con thì coi như mất luôn đứa con bởi sẽ chẳng còn lúc nào thấy con nhìn/nói chuyện với bố mẹ nữa? Vậy bao nhiêu tuổi thì mới là độ tuổi phù hợp để trẻ sở hữu điện thoại di động? Tôi không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên nhưng những thông tin dưới đây hi vọng sẽ góp phần giúp bạn có những cân nhắc cụ thể trước khi quyết định trao quyền cho con sử dụng điện thoại thông minh.

Ảnh minh họa.

Trong một cuộc khảo sát 2.167 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 16 tại Vương quốc Anh, người ta dẫn kết quả như sau: 53% trẻ em tại Anh có điện thoại riêng khi khoảng 7 tuổi, 57% trẻ em đi ngủ với thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, máy tính bảng) để ngay cạnh giường và trung bình trẻ em dành khoảng 3 giờ 20 phút mỗi ngày cho việc online và chơi game. Một điều đáng lưu ý là 44% số trẻ tham gia khảo sát sẽ thấy rất khó chịu nếu không có sóng điện thoại, 42% luôn luôn giữ điện thoại bên mình trong khi đó 39% trẻ em trong nhóm khảo sát này cho rằng chúng không thể sống mà thiếu điện thoại. Tờ Inc. trích lời Bill Gates trả lời về việc ông cho phép các con sử dụng điện thoại thông minh khi nào, câu trả lời là cả 3 con của ông được phép dùng smartphone khi 14 tuổi, tức là khi chúng bắt đầu vào học trung học. Việc có nên trao cho một đứa trẻ sở hữu điện thoại thông minh hay không là vấn đề đau đầu của rất nhiều phụ huynh. Dưới đây là một số lý do:

1. Điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử có thể làm thay đổi mối quan hệ cha mẹ - con cái. Mặc cho tính tiện lợi và giải trí, điện thoại không thể thay thế cho tương tác trực tiếp giữa cha mẹ và con cái.

2. Giới hạn tính sáng tạo: Một đặc tính của điện thoại thông minh là dễ dàng truy cập vào kho game. Các trò chơi online này làm giới hạn tính sáng tạo của con trẻ.

3. Mất ngủ: Ánh sáng xanh trên điện thoại nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung khiến chúng ta rất khó ngủ. Một bộ não không được thư giãn thoải mái và nạp nhiên liệu đầy đủ sẽ khó có thể hoạt động ở công suất tốt vào ngày hôm sau. Tiến sĩ, bác sĩ Victoria L. Dunkley, chuyên gia nghiên cứu về hành vi của trẻ với các thiết bị điện tử cho biết thứ ánh sáng nhân tạo này khiến bộ não của chúng ta nhầm tưởng đó là ánh sáng ban ngày, khiến chúng ta tỉnh táo và rất khó ngủ.

4. Các vấn đề liên quan đến hành vi: Khi trẻ sử dụng điện thoại với mục đích giải trí quá 2 giờ mỗi ngày, đặc biệt với những game/video bạo lực, trẻ có xu hướng mất kiểm soát hay khó kiềm chế cảm xúc của bản thân.

5. Tác động đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về tâm lý trẻ em, việc sử dụng điện thoại thông minh và internet có liên quan đến trầm cảm và chứng biếng ăn ở trẻ. Trẻ có thể dễ dàng bị người khác bắt nạt qua tin nhắn bằng những lời lẽ bất nhã, thiếu tôn trọng và điều này có tác động xấu đến sức khỏe tinh thần về lâu dài của trẻ. Vào giai đoạn 10 - 12 tuổi, một đứa trẻ nhận thấy mình cần phải có một chiếc điện thoại riêng vì nếu không có cách nào để nhắn tin, trò chuyện với bạn, chúng sẽ cảm thấy cuộc sống xã hội của mình đang bị ảnh hưởng nặng nề. Bạn có thể do dự về việc cho con một chiếc điện thoại riêng, nhưng khi con lớn dần chúng trở nên độc lập hơn và đặc biệt khi con tự mình đi học hoặc tham gia các hoạt động khác, bạn cũng muốn có một cách để liên lạc và biết con mình đang ở đâu. Tuy nhiên, sử dụng điện thoại cũng đi kèm với các vấn đề sau đây mà bạn nên quan tâm:

- Giá thành: Khi bạn bỏ tiền mua một chiếc điện thoại tiền triệu, liệu con bạn có biết cách bảo quản và giữ gìn hay dễ đánh mất hoặc làm hỏng?

- Data (Dung lượng): Chi phí cho các gói data ở Việt Nam khá rẻ, tuy nhiên nếu con dùng quá số này nhiều lần, bạn có thể phải trả chi phí khá cao vào cuối tháng.

- Vượt quá giới hạn: Khi con bạn nhắn tin hoặc post một hình ảnh không phù hợp hoặc nhìn thấy hình ảnh mang tính gợi cảm quá mức, có thể có những ảnh hưởng mang tính hủy hoại và ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ lâu dài về sau này.
Tiến sĩ Jerry Bubrick, người chuyên nghiên cứu về tâm lý hành vi và nhận thức cho rằng vấn đề liên quan đến điện thoại thông minh không phải nằm ở độ tuổi của trẻ mà nằm ở nhận thức xã hội và hiểu công nghệ có ý nghĩa gì. Ông cho rằng, “có những đứa trẻ 15 tuổi nhưng luôn hành động thiếu suy nghĩ thì có thể chưa hẳn đã biết cách tương tác với điện thoại như những đứa trẻ 12 tuổi nhưng trưởng thành hơn về mặt xã hội”. Ông đưa ra một số gợi ý sau:

- Con bạn có thường làm mất đồ đạc không, đặc biệt là những thứ đắt tiền? Nếu bạn đưa cho con một vật rất quan trọng và bảo con giữ gìn, con sẽ cất giữ cẩn thận hay sẽ để quên trên lớp/xe buýt/sân chơi... sau một vài ngày?

- Con bạn xử lý với tiền bạc như thế nào? Đang chơi game và phải mua thêm ít đồ online để chơi tiếp, liệu con bạn có do dự, suy nghĩ hay sẵn sàng mua không đắn đo?

- Con bạn có thể tự giới hạn thời gian với các thiết bị điện tử không? Nếu một đứa trẻ liên tục cần được nhắc nhở khi nào phải dừng chơi game hoặc tắt tivi, chúng có thể cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bị yêu cầu để điện thoại xuống.

Một số giải pháp:

- Xem xét mục đích của việc sử dụng điện thoại: Nếu bạn cảm thấy con chưa sẵn sàng để sử dụng điện thoại thông minh nhưng vẫn muốn có cách để liên lạc với con những khi con ra ngoài đi học, đi chơi hoặc khi bạn đi làm nhưng con ở nhà một mình, không có ai giám sát thì việc sử dụng một chiếc điện thoại đơn giản chỉ với mục đích nghe, gọi có thể là một trong những giải pháp. Có thể điều này không phổ biến ở Việt Nam nhưng ở các nước Bắc Mỹ, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp (hen suyễn) hoặc các bệnh dị ứng cấp (với đồ ăn, phấn hoa...) khá cao, khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe như vậy một vài giây cũng có thể cứu được mạng người. Do đó, việc trẻ sử dụng điện thoại để gọi cấp cứu hoặc người thân là điều nên làm.

- Nếu bạn đã sẵn sàng cho con sử dụng điện thoại thông minh, các chuyên gia tâm lý đưa ra một số gợi ý dưới đây để giúp cha mẹ quản lý và định hướng cho con khi tiếp xúc với thế giới công nghệ:

1. Cùng con lập mật khẩu cho điện thoại và thỏa thuận cha mẹ có quyền thu hồi điện thoại nếu con sử dụng quá mức, quá thời gian quy định.

2. Cùng lập giới hạn thời gian với các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại thông minh. Điều này đặc biệt quan trọng bởi các nhà sản xuất game/video và chương trình cho trẻ rất biết cách thu hút và lôi kéo trẻ vào nội dung mà họ sản xuất, do vậy sẽ rất khó khăn để một đứa trẻ có thể tự dừng nghe/xem các chương trình mà chúng yêu thích.

3. Xác định cùng con về hậu quả nếu không may chiếc điện thoại bị mất hoặc vỡ, hỏng.

4. Trao đổi rõ ràng với con về một số thời gian trong ngày mà con không được phép sử dụng điện thoại, ví dụ như đêm muộn, khi cả nhà dùng bữa hoặc tham gia các hoạt động gia đình, khi làm bài tập...

5. Với các vấn đề quan trọng như khi con cần có chia sẻ với bố mẹ về các vấn đề sức khỏe, tình cảm, tâm lý, những cuộc trò chuyện trực tiếp luôn có ý nghĩa và tác dụng hơn so với gọi điện, nhắn tin.

6. Sau cùng, cha mẹ nên bàn bạc và trao đổi kỹ cùng nhau trước khi đi đến quyết định cho con sử dụng điện thoại di động. Gia đình bạn có thể thiết lập những quy định khác ngoài những ví dụ kể trên nhưng lưu ý là bạn nên cùng con nói rõ về những hậu quả nếu các quy định này bị phá vỡ. Làm được như vậy là chúng ta đang góp phần giúp con đưa ra những quyết định đúng đắn qua từng hành động, việc làm nhỏ liên quan tới chính bản thân chúng để sau này khi con lớn lên chúng có thể tự mình đưa ra những quyết định sáng suốt khi không có bạn bên cạnh.

Hy vọng những chia sẻ trên có ích với bạn.

Thu Hiền
(Bang Ontario, Canada)

Nguồn: Cohen, D (n.d). When Should You Get Your Kid a Phone? Retrieved May 26th, 2021, from Child Mind Institute. Pinkstone, J (2020). Most Children Have Their Own Mobile Phone by the Age of Seven and Half of Them Sleep with it Beside Their Bed, Report Suggests. Daily Mail.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày