Thứ 3, 30/07/2024, 21:25[GMT+7]

Nguy cơ rối loạn tâm thần do nghiện internet

Thứ 2, 31/05/2021 | 08:25:20
2,068 lượt xem
Sự phát triển nhanh chóng của internet, mạng xã hội những năm gần đây đã mang đến nhiều lợi ích cho con người trong giao lưu, kết nối, học hỏi, nắm bắt thông tin, kinh doanh, giao dịch, giải trí... nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó số lượng bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần liên quan đến internet ngày càng gia tăng.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thái Bình điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn hành vi trầm cảm do nghiện internet.

Mới đây, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.D, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) với các triệu chứng như: nói vô nghĩa, hay cáu gắt, buồn chán, bi quan, thường xuyên mơ gặp ác mộng... Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Tâm, Phụ trách Khoa Suy nhược thần kinh, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết: Qua thăm khám được biết khoảng 2 năm nay bệnh nhân thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để chơi game, xem phim kinh dị, những chương trình bạo lực... Ngày cao điểm xem 6 - 10 tiếng, thường xuyên ở một mình và xem thâu đêm. Với các triệu chứng có thể thấy bệnh nhân đã bị rối loạn hành vi trầm cảm. Thời gian đầu vào bệnh viện, bệnh nhân không tiếp xúc với ai, lầm lì, không hợp tác với bác sĩ, ăn ít và mệt mỏi. Sau điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt, thường xuyên đi ra ngoài tập thể dục, không sử dụng điện thoại. Việc điều trị sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nếu người thân phát hiện sớm những triệu chứng khởi phát ban đầu của người bệnh như thay đổi tính nết, thường xuyên cáu gắt vô cớ, lơ đãng học tập, công việc... và đưa ngay đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là các gia đình khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn do nghĩ đó là triệu chứng thông thường ở lứa tuổi học đường. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rối loạn tâm thần nặng hơn, thời gian phải điều trị dài hơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết: Nghiện internet nói chung, trong đó bao gồm nghiện game online, nghiện mạng xã hội, nghiện facebook, nghiện truyện, phim online... thuộc nhóm nghiện được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng sau: Thèm muốn mạnh mẽ; có hiện tượng tăng thời gian sử dụng; nếu không có người bệnh sẽ không thể chịu đựng được; người bệnh biết hại nhưng vẫn sử dụng; giảm hoặc mất các thú vui khác... Biểu hiện cụ thể của nghiện internet là: Bắt buộc phải sử dụng, không được sử dụng thì khó chịu; giảm quan tâm, thích thú, ở độ tuổi đi học thì không muốn học; khi không có internet bị trầm cảm, dễ gây thương tích, gây hại cho những người xung quanh; bản thân người nghiện mất ngủ, suy giảm tâm lý, ăn uống không ngon miệng, sút cân. Việc sử dụng internet ban đầu chỉ là thói quen nhưng sau không kiểm soát được sẽ thành nghiện và khi nghiện phải điều trị mới có thể cắt được.

Tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, hàng năm Bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp lứa tuổi thanh, thiếu niên đến điều trị cai nghiện internet, trong đó trường hợp nặng nhất là trầm cảm nặng. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình cho biết thêm: Khi nghiện internet, người bệnh sẽ bị biến đổi nhân cách, bỏ học nếu ở độ tuổi đang đi học hoặc bỏ việc, sao nhãng công việc nếu đang đi làm; người bệnh có thể trầm cảm dẫn đến hành vi tự sát; sống theo cách sống trên mạng và có thể gây ra những hậu quả khó lường. Người bị bệnh sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, nghiện internet còn gây ra những tác hại đối với cơ thể, đầu tiên là ảnh hưởng đến mắt, sau đó ngồi lâu sẽ cong vẹo cột sống, ngón tay cũng dễ bị tổn thương do sử dụng liên tục và thậm chí là bị bệnh về tim mạch. Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho phù hợp. Nếu rối loạn hành vi dùng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý để bệnh nhân vượt qua đồng thời kết hợp bồi bổ cơ thể.

Hậu quả của việc nghiện internet là khó lường, do đó các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thái Bình khuyến cáo cần sử dụng internet đúng mục đích, tránh lạm dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Với các cháu đang ở lứa tuổi học đường, các bậc phụ huynh cần quan tâm, kiểm soát và hạn chế cho các cháu sử dụng điện thoại, máy tính có kết nối mạng, dành nhiều thời gian tâm sự, trò chuyện và rèn luyện thể chất cùng các cháu bởi sức khỏe thể chất tốt, tâm thần sẽ tốt. Khi thấy con sử dụng nhiều, cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kịp thời. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh có nối mạng của học sinh khi ở trường học.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày