Thứ 3, 07/05/2024, 00:31[GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình cấy lúa thân thiện với môi trường

Thứ 2, 31/05/2021 | 09:49:12
3,652 lượt xem
Vụ xuân năm 2021, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình cấy lúa thân thiện với môi trường (SRI) nhằm góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, bảo vệ tài nguyên đất và nước.

Cấy lúa thân thiện với môi trường góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước. Ảnh tư liệu

Gia đình chị Mai Thị Nhâm, thôn Duyên Phú, xã Phú Lương (Đông Hưng) là 1 trong 6 hộ trên địa bàn xã tham gia cấy lúa theo phương pháp SRI. Gia đình chị cấy 5 sào giống lúa TBR225. Chị Nhâm chia sẻ: Cùng giống lúa này nhưng áp dụng phương pháp SRI năng suất, chất lượng đều tăng hơn so với cấy theo phương pháp truyền thống. Và canh tác theo phương thức này, vụ xuân 2021 gia đình tôi không phải phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, lượng giống giảm một nửa, cấy thưa dảnh, tốn ít nước, ít công chăm sóc, năng suất vẫn đạt từ 2,3 - 2,6 tạ/sào, cao hơn so với cùng vụ năm 2020. Những vụ tiếp theo, gia đình tôi sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp cấy lúa SRI.

Cũng như gia đình chị Nhâm, gia đình anh Nguyễn Viết Kha, thôn Minh Đức, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) cũng tham gia cấy lúa SRI. Anh Kha cho biết: Vụ xuân năm 2021, gia đình tôi cấy hơn 5 sào giống lúa ĐS1 của Nhật Bản áp dụng phương pháp SRI. Từ khi tham gia, tôi được Hội Nông dân tỉnh tập huấn kiến thức về cách sử dụng phân bón vi sinh đa chức năng, cấy mạ non, cấy thưa ít dảnh, quản lý nước, làm cỏ sục bùn... để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình tôi đã tiết kiệm được đáng kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tiền mua giống mà hiệu quả kinh tế đem lại không kém những năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX DVNN xã Phú Lương (Đông Hưng) chia sẻ: Ngay khi đánh giá được hiệu quả từ mô hình cấy lúa SRI trên địa bàn xã, chúng tôi đã tham mưu với lãnh đạo địa phương nhân rộng mô hình này vào những vụ lúa tiếp theo, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích bà con nông dân tham gia. Nếu tiếp tục áp dụng phương pháp này thì chỉ sau 3 - 4 năm là chất lượng nguồn nước, đất sẽ được phục hồi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ hết. HTX sẽ quy hoạch xây dựng vùng cấy lúa hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao giá trị mà cây lúa đem lại, từng bước củng cố và xây dựng thương hiệu hạt gạo Thái Bình.

Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để triển khai dự án cấy lúa SRI, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nguồn vốn, giống, phân bón cho hội viên nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và mở 15 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cấy lúa SRI cho hơn 1.500 lượt hội viên tại 4 xã: Phú Lương, Hợp Tiến (Đông Hưng), An Ấp, Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ). Nội dung tuyên truyền, tập trung vào các phương pháp và những lưu ý cơ bản khi nông dân tham gia cấy lúa SRI. Qua nắm bắt tại cơ sở, diện tích cấy lúa của các hộ dân đều phát triển tốt, người dân đánh giá phương pháp này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các phương pháp truyền thống như: tiết kiệm được nguồn giống, nước, tốn ít công chăm sóc và không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phân bón vi sinh; năng suất lúa bình quân đạt từ 2,3 - 2,5 tạ/sào.

Từ hiệu quả mà mô hình cấy lúa SRI đem lại, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức cho 20 cán bộ nòng cốt tại cơ sở để bồi dưỡng kiến thức cho hội viên nông dân; thành lập tổ hợp tác cấy lúa SRI để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm của hội viên. Phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án, từng bước mở rộng diện tích cấy lúa SRI, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước, xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình.

Tiến Đạt