Thứ 4, 15/01/2025, 12:51[GMT+7]

Được mùa lúa xuân

Thứ 2, 07/06/2021 | 08:47:22
2,411 lượt xem
Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa xuân. Nhờ sử dụng giống lúa chất lượng, gieo cấy đúng khung thời vụ, làm tốt khâu dự báo, phòng, trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vụ lúa xuân được đánh giá thắng lợi toàn diện.

Hầu hết nông dân đều có chung nhận xét vụ xuân được mùa toàn diện cả về năng suất và giá bán.

Giống chất lượng, thời vụ tập trung

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ xuân năm 2021 đánh dấu bước ngoặt lớn, mang tính quyết định nhất của vụ lúa năm nay chính là tỷ lệ cơ cấu giống lúa chất lượng cao đạt gần 50% tổng diện tích gieo cấy (38.000/76.273ha) gồm các giống: Bắc thơm 7, T10, RVT, N97, lúa Nhật... là năm có diện tích cao nhất từ trước tới nay. Ngoài những giống lúa đại trà, đã ổn định qua nhiều năm ở các địa phương như: BC15, Thiên ưu 8, TBR225, T10, Nếp 97... thì vụ xuân năm 2021 còn khẳng định sự vượt trội của giống lúa mới BC15 có gen kháng đạo ôn. Điều này không chỉ giúp năng suất bình quân toàn tỉnh đạt cao mà việc lựa chọn bộ giống chất lượng, kháng chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và thị trường còn giúp cho giá trị hàng hóa lúa gạo của tỉnh thay đổi.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngoài tập trung về bộ giống lúa chủ lực, thời vụ sản xuất lúa xuân cũng đồng nhất theo đúng khuyến cáo của ngành. Nhờ vậy, lúa xuân trỗ bông tập trung từ ngày 10 - 15/5,  trong khung thời tiết thuận lợi. Điều này tạo điều kiện cho việc quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh, thu hoạch nhanh gọn. Nhìn chung toàn tỉnh, diễn biến dịch hại đều ở mức thấp và chủ động kiểm soát tốt.

Thời tiết thuận lợi cho thu hoạch, lúa được mùa, vì thế mà niềm vui ánh lên trong nụ cười của bà con nông dân. Tiếp chuyện chúng tôi ngay trên ruộng lúa vừa được thu hoạch, ông Nguyễn Đức Sơn, xã Đông Vinh (Đông Hưng) không giấu nổi niềm vui khi vụ xuân này, năng suất lúa đạt cao hơn dự kiến. Ông Sơn khẳng định: Chỉ cần đếm số bao thóc vừa được đưa xuống khỏi máy gặt, tôi có thể chắc chắn lúa vụ này đạt trên 2,2 tạ thóc khô/sào, cao hơn so với vụ xuân năm trước. Không chỉ được mùa, năm nay lúa ít sâu bệnh, chi phí đầu tư giảm nên lợi nhuận tăng khoảng 200.000 đồng/sào. Vụ này, tôi cấy 20 mẫu, lợi nhuận tăng thêm khoảng 40 triệu đồng.

Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Vụ xuân năm 2021 cũng là vụ ghi nhận diện tích cấy bằng máy cao nhất từ trước đến nay, đạt 8.066,7ha (bằng 10,6% tổng diện tích gieo cấy), tăng gần gấp đôi so với vụ xuân năm 2020. Trong đó, các huyện: Đông Hưng, Kiến Xương, Quỳnh Phụ có diện tích cấy bằng máy cao. Không chỉ mở rộng cơ giới hóa khâu gieo cấy, theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha lúa được cơ giới hóa khâu phun thuốc.

Ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng cho biết: Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm áp lực về lao động, thời vụ; thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất tập trung với quy mô lớn; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả, vụ xuân năm 2021, huyện Đông Hưng xây dựng 16 mô hình sản xuất giống mới (BC15 có gen kháng đạo ôn, VNR20) theo phương thức gieo mạ khay cấy bằng máy với quy mô 5ha trở lên, tổng diện tích đạt 174,12ha. Diện tích cấy máy của huyện vụ xuân này đạt 2.500ha, bằng 22,3% tổng diện tích gieo cấy. Nhận thấy vượt trội về hiệu quả, năng suất từ phương thức gieo cấy tiên tiến này, ngày càng nhiều nông dân đăng ký cấy bằng máy trực tiếp với chủ máy cấy. Dự kiến vụ mùa này, diện tích cấy bằng máy toàn huyện sẽ mở rộng khoảng 3.000ha.

Vụ xuân năm 2021, toàn tỉnh có 164 cánh đồng lớn với gần 4.000ha lúa được liên kết, bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp. Ngoài các cơ chế hỗ trợ sản xuất, các địa phương đã chú trọng xây dựng một số mô hình sản xuất tiên tiến: tiết kiệm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay, cánh đồng một giống lúa, sử dụng phân bón một lần, phân hữu cơ vi sinh... qua đó góp phần thay đổi phương thức sản xuất lẫn tư duy hàng hóa của bà con nông dân...

Hầu hết nông dân đều có chung nhận xét vụ xuân được mùa toàn diện cả về năng suất và giá bán nên lợi nhuận sản xuất lúa cũng được nâng lên đáng kể. Thành công của vụ xuân sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2021, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ngân Huyền