Thứ 5, 02/05/2024, 02:36[GMT+7]

Thực hiện 7 mô hình thí điểm về nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo

Thứ 2, 14/06/2021 | 14:40:01
4,265 lượt xem
Sáng ngày 14/6, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh thống nhất triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo kế hoạch thực hiện 07 mô hình thí điểm về nâng cao sản xuất lúa gạo nhằm phát triển sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất lúa; nâng cao vai trò của các HTX nông nghiệp; xây dựng nhãn hiệu tập thể hướng tới hình thành thương hiệu lúa gạo. Mô hình triển khai tại 9 xã của 6 huyện: Đông Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Thái Thụy với quy mô trên 120ha/mô hình; thời gian triển khai từ vụ mùa 2021; tập trung phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa hướng tới xuất khẩu, sản xuất lúa giống, lúa đặc sản địa phương, lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi.

 Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vũ Thư phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các nội dung triển khai mô hình như: quy vùng sản xuất, cơ chế hỗ trợ, xây dựng chỉ dẫn địa lý; kinh phí, thời gian thực hiện mô hình… đã được các đại biểu thảo luận, tập trung làm rõ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong điều kiện sản xuất lúa hiện nay, khi năng suất đạt ngưỡng kịch trần ở cả vụ xuân, vụ mùa, để nâng cao thu nhập cho người dân cần phải nâng cao giá trị lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thống nhất lựa chọn, thực hiện 7 mô hình thí điểm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo ở vụ mùa năm 2021 theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện nghiên cứu, vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho các mô hình; ngoài các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các huyện căn cứ vào thực tế địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc; quá trình tổng kết phải tách riêng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để có đánh giá khách quan nhất về hiệu quả mô hình trên cơ sở đó xây dựng đề án nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, nhân rộng ra toàn tỉnh.

Ngân Huyền