Thứ 3, 21/05/2024, 21:22[GMT+7]

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa

Thứ 3, 15/06/2021 | 09:04:28
3,051 lượt xem
Sau hơn 20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, nhiều cách làm hay, hiệu quả đang được triển khai tại một số địa phương. Qua đó, lối sống mới từng bước được hình thành, các thiết chế văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả trong nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Sôi nổi các hoạt động thể dục thể thao tại nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu. Ảnh tư liệu

Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa

Nếu như trước đây, việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa là bài toán đặt ra đối với nhiều địa phương sau khi hoàn thành tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thì nay tại huyện Thái Thụy, việc triển khai nhân rộng mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đang phát huy hiệu quả trong việc đưa thiết chế văn hóa trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn bó mật thiết với đời sống của mỗi người dân, từ đó góp phần thiết thực nâng cao chất lượng danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa.

Bà Phạm Thị Thủy, công chức văn hóa xã Thụy Sơn chia sẻ: Tháng 4/2021, thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn chính thức đưa nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu vào hoạt động. Hiện nay, tại sân thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa có khoảng 20 máy tập hiện đại thu hút bà con trong thôn tập luyện thường xuyên, nâng cao sức khỏe. Thời điểm này, một số câu lạc bộ như bóng bàn, dân vũ, cờ tướng,... cũng đang từng bước tập luyện trở lại sau giai đoạn tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, tại nhà văn hóa có 4 tủ sách với gần 2.000 cuốn cũng là điểm hẹn thường xuyên của người cao tuổi, các em nhỏ trong dịp hè. Sau khi nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu tại thôn Nhạo Sơn đi vào hoạt động hiệu quả, một số thôn trong xã Thụy Sơn cũng đặt mục tiêu từng bước hoàn thành xây dựng nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu.

Mục tiêu đặt ra của huyện Thái Thụy là đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành 36 nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với diện tích nhà văn hóa từ 300m2 trở lên, diện tích sân tập thể thao từ 500m2 trở lên, có sân bóng đá cho thanh thiếu niên, đây là thiết chế văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để người dân thường xuyên đến sinh hoạt, tập luyện và vui chơi, giải trí; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thái Thụy chia sẻ: Sau thành công từ mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên tại thôn Bích Du, xã Thái Thượng, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực nhân rộng mô hình này. Điều đáng mừng, nhiều địa phương đã huy động tốt nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị. Tại mỗi nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đều được trang bị tivi, micro, loa...; bộ trang trí khánh tiết; bàn, ghế phục vụ sinh hoạt; tủ sách, báo; dụng cụ thể dục thể thao; hệ thống wifi; hệ thống camera phục vụ họp trực tuyến và trợ giúp công tác an ninh, bảo vệ nhà văn hóa... Qua hoạt động của các nhà văn hóa, phong trào văn hóa thể thao, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu thôn, khu dân cư văn hóa.

Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa qua việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Năm 2019, Thái Bình là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Các chủ đề của bộ tiêu chí bao gồm: ứng xử của vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em trong gia đình. Thông qua việc đáp ứng các tiêu chí ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, việc xây dựng gia đình văn hóa trở nên gần gũi, thiết thực đối với mỗi người dân. Cụ thể, đối với chuyên đề tiêu chí ứng xử vợ chồng: chung thủy, nghĩa tình, các gia đình được tuyên truyền nhận thức về quyền, trách nhiệm của vợ chồng; những kỹ năng cơ bản để giữ gìn cuộc sống vợ chồng luôn hạnh phúc. Đối với chuyên đề tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà, các em học sinh trên địa bàn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí được tuyên truyền về kỹ năng ứng xử trong gia đình theo tiêu chí hiếu thảo, lễ phép; kiến thức về quyền và trách nhiệm của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đối với chuyên đề tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu, việc tuyên truyền tập trung vào nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, ông bà trong nêu gương, thực hiện các hành vi đẹp, các kỹ năng ứng xử và giải quyết các mối quan hệ trong gia đình theo tiêu chí ứng xử: gương mẫu, yêu thương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau 2 năm, nhân dân trên địa bàn 2 xã, phường thí điểm thực hiện mô hình là xã Phú Lương (Đông Hưng) và phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Điều đáng mừng, 100% số hộ gia đình đăng ký tham gia đều có đánh giá cần thiết triển khai thực hiện bộ tiêu chí. Cùng với các tỉnh, thành phố khác, kết quả của việc thực hiện thí điểm tại Thái Bình sẽ là tiền đề quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những đánh giá, điều chỉnh hợp lý, tiến tới mở rộng triển khai áp dụng bộ tiêu chí trên cả nước.

Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, việc nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa góp phần nâng cao chất lượng thôn, tổ dân phố, khu dân cư văn hóa. Điều này nhằm từng bước nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từ đó tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh.

Tú Anh